Giá thép xây dựng hôm nay 15/10/2020: Giá thép và quặng sắt đồng loạt giảm

(VOH) - Giá thép ngày 15/10 chỉnh giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt cũng giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần do triển vọng nguồn cung quặng sắt tại Trung Quốc tăng.

Giá thép thế giới giảm

Giá thép ngày 15/10 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 35 nhân dân tệ xuống mốc 3.587 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, giờ Việt Nam.

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Tại Trung Quốc, chính phủ dự kiến sẽ ban hành các tiêu chuẩn mới cho việc nhập khẩu thép phế liệu vào cuối năm 2020.

Theo Reuters, Trung Quốc dự kiến sẽ ban hành các tiêu chuẩn mới cho thép phế liệu vào cuối năm 2020. Động thái này cho phép các nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn được nhập khẩu vào Trung Quốc sau khi lệnh cấm nhập khẩu chất thải rắn có hiệu lực.

Bắc Kinh hiện phân loại hầu hết kim loại phế liệu là chất thải rắn và việc nhập khẩu các kim loại này sẽ bị cấm từ cuối năm nay. Tuy nhiên, trong đó có một số ngoại lệ đối với kim loại màu và một số lô hàng cao cấp vẫn được tiếp tục nhập khẩu.

Luồng thép phế liệu được nấu chảy trong lò điện hồ quang để làm kim loại tái chế đã giảm dần trước lệnh cấm của Trung Quốc vì lí do môi trường, khiến ngành công nghiệp thép lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung.

Hiện tại, Trung Quốc đang đề xuất các tiêu chuẩn mới đối với thép phế liệu chất lượng cao. Cụ thể là mặt hàng này sẽ được phân loại là tài nguyên chứ không phải là chất thải và không bị cấm.

Các tiêu chuẩn về phế liệu thép được xây dựng trước đó hiện đã vượt qua giai đoạn xem xét và đang được đẩy nhanh tiến độ để công bố vào cuối năm nay, Tân Hoa Xã đưa tin.

Giá quặng sắt trên Sàn Đại Liên đã tăng hơn 50% từ đầu năm đến nay do lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và nhu cầu thép tăng mạnh, làm giảm biên lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc và ảnh hưởng đến giá sắt thép.

Trong khi đó, theo Hiệp hội phế liệu sắt quốc gia Inesfa của Brazil, quốc gia này đã ghi nhận mức xuất khẩu thép phế liệu tăng vọt trong tháng 9 so với tháng trước đó.

Cụ thể, xuất khẩu đạt tổng cộng 97.312 tấn trong tháng 9, tăng 19,7% so với mức 81.295 tấn cùng tháng năm ngoái, và tăng 75,7% so với mức 55.377 tấn trong tháng 8, theo Metal Bulletin.

Phần lớn của sự gia tăng này là kết quả của 40.966 tấn phế liệu được vận chuyển đến Trung Quốc từ bang Rio Grande do Sul ở cực Nam Brazil. Nếu loại trừ khối lượng đó, xuất khẩu sẽ đạt tổng cộng 56.346 tấn, giảm 30,7% so với cùng kì năm ngoái.

Top 10 thị trường Việt Nam nhập khẩu sắt thép nhiều nhất 8 tháng 2020

Tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam nhiều nhất nhưng lượng sắt thép từ Trung Quốc nhập về nước ta trong 8 tháng qua giảm trên 30%.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, sắt thép nhập khẩu về Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 đạt triệu tấn, tương đương 5,43 tỉ USD với giá trung bình 580 USD/tấn. So cùng kì năm ngoái, giảm trên 3% về lượng, 16% kim ngạch và 13% giá.

Riêng tháng 8 đạt 1,19 triệu tấn trị giá 653,3 triệu USD, giá 547,3 USD/tấn; giảm 16% về lượng, giảm 13% về kim ngạch nhưng tăng 3,5% về giá so với tháng 7.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường hàng đầu cung cấp sắt thép cho Việt Nam, chiếm 28% tổng lượng và chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước; đạt 2,64 triệu tấn trị giá hơn 1,64 tỉ USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 621,3 USD/tấn. So cùng kì năm trước giảm 33% lượng, giảm 33% kim ngạch, giảm 1,8% giá.

Xét về giá, sắt thép từ những nước thuộc EU có giá thành khá cao, trong đó cao nhất là từ Pháp với 7.128 USD/tấn; kế đến là Áo 4.343 USD/tấn; sắt thép nhập từ các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch hay Đức đều có giá trên 2.000 USD/tấn.