Giá thép xây dựng hôm nay 23/10/2020: Giá thép, quặng sắt Trung Quốc tiếp tục tăng

(VOH) - Giá quặng sắt và thép thanh của Trung Quốc tiếp tục tăng trong khi thép cuộn cán nóng tăng phiên thứ 4 liên tiếp bởi nhu cầu mạnh đối với các kim loại công nghiệp.

Giá thép dự kiến ​​sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới do nhu cầu thu hẹp và nguồn cung dồi dào.

Giá thép thế giới tăng

Giá thép ngày 23/10 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 18 nhân dân tệ lên mốc 3.671 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 23/10/2020
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Theo chính sách khuyến khích phát triển thép chất lượng cao của Trung Quốc, sản lượng thép của quốc gia này sẽ giảm dần sau khi chạm đến mức cao nhất trong thời gian gần đây, theo Kallanish Commodities.

Tuy vậy, theo ông Li Xinchuang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) kiêm Bí thư Đảng ủy Viện Nghiên cứu và Qui hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MPI), nhìn chung tổng sản lượng thép sẽ duy trì mức tương đối cao trong nhiều năm tới.

Ông nhận xét rằng, nhu cầu phục hồi mạnh mẽ vào năm 2020 đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trên thị trường thép Trung Quốc, biến nước này trở thành nhà nhập khẩu thép ròng trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng tình hình này sẽ được khắc phục vào cuối năm nay và Trung Quốc sẽ tiếp tục vai trò là nước xuất khẩu ròng cho thị trường thép toàn cầu.

Với sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất thép, tồn kho các nhà máy thép đã tăng lên nhanh chóng và hiện đang ở mức rất cao, khiến giá thị trường giao ngay khó có thể tăng cường.

Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, lợi nhuận bán hàng của các công ty thép thành viên CISA chỉ đạt 3,79%. Nguyên nhân là do hàng tồn kho cao, nhập khẩu và giá nguyên liệu đầu vào bóp nghẹt lợi nhuận mặc dù nhu cầu tăng đột biến.

Sản lượng và giá nguyên liệu cùng hồi phục

Theo báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), quý III ghi nhận sự bứt phá trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại sau nửa đầu năm chậm lại do ảnh hưởng dịch bệnh. Cụ thể, sản xuất các loại thép đạt 6,9 triệu tấn, tăng 11,3%; bán hàng đạt 6,17 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu tăng mạnh gần 30% đạt 1,34 triệu tấn, trong khi nửa đầu năm giảm 24,6%.

Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm thép đã ghi nhận 4 tháng liên tiếp tăng kể từ tháng 6.

Nhờ vậy, lũy kế 9 tháng, sản xuất sản phẩm thép còn giảm 1,7% đạt 18,5 triệu tấn, bán hàng giảm 4,3% còn 16,57 triệu tấn và xuất khẩu giảm 8,6% còn 3,2 triệu tấn. VSA nhận định, sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu sẽ càng khởi sắc hơn trong các tháng cuối năm.

Đi cùng với nhu cầu hồi phục trở lại trên thế giới thì khiến giá nguyên liệu thép tăng trở lại. Giá quặng sắt ngày 8/10 giao dịch ở mức 122-125 USD/tấn, tăng 49% so với các tháng đầu năm và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Giá cuộn cán nóng HRC ở mức 502-505 USD/tấn, tăng 25,8% so với vùng giá 400 USD/tấn thời điểm đầu năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá thép phế liệu ở mức 302 USD/tấn, cùng tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước và các tháng đầu năm.

Theo VSA, hiện nay, giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 11 - 11,05 triệu đồng/tấn tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Giá thép xây dựng trong nước không điều chỉnh nhiều dù giá nguyên liệu tăng mạnh do các doanh nghiệp trong ngành có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần hay phát triển thêm thị phần, cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng.