Giá thép xây dựng hôm nay 24/9: Giá thép tiếp đà tăng, quặng sắt giảm gần 3

(VOH) - Giá thép ngày 24/9 tăng 12 đồng nhân dân tệ, quặng sắt giảm gần 3. Thị trường thép Trung Quốc đang yếu dần khiến các nhà kinh doanh bi quan về các yếu tố cơ bản trên thị trường thép.

Giá thép thế giới tăng

Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 12 đồng nhân dân tệ lên mốc 3.543 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, ngày 24/9, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 24/9/2020
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Theo khảo sát hàng tuần mới nhất của Mysteel Global, giá thép xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu do các nhà cung cấp thép, đặc biệt là các thương nhân, hạ giá chào hàng khi nhu cầu trong nước giảm sút.

Tuần trước, giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) SS400 4,75mm của Trung Quốc giảm 2 USD/tấn xuống còn 519 USD/tấn FOB tại cảng Thiên Tân phía Bắc Trung Quốc.

Trong khi đó, giá chào bán thép cây B500B 18-25mm vẫn duy trì tại mức 487 USD/tấn FOB tại cảng Zhangjiagang phía Đông Trung Quốc.

Việc giá thép trong nước liên tục giảm xuống đã tác động đến lĩnh vực xuất khẩu, bất chấp việc đồng nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn so với đồng USD.

Điều này có thể khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc xem xét nâng giá những mặt hàng xuất khẩu tính bằng đồng USD để bảo vệ lợi nhuận của đồng nhân dân tệ.

Trong bối cảnh giá thép xuất khẩu của Trung Quốc đảo chiều giảm, các đối thủ sản xuất thép ở các quốc gia khác đang nhắm đến những nhà thu mua đã tăng giá sắt thép, nhằm phản ánh nhu cầu dần phục hồi trên toàn cầu.

Do đó, mức chênh lệch giá giữa các sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc và từ các nước khác đã thu hẹp, trong đó Trung Quốc ghi nhận mức giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do xuất khẩu từ các mỏ khai thác tăng và các nhà máy thép giảm công suất sản xuất bởi triển vọng nhu cầu trong mùa đông giảm.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 2,7% xuống 751 CNY (110,58 USD)/tấn, đóng cửa phiên trước đó giảm 0,7% xuống 767 CNY/tấn.

Xuất khẩu quặng sắt từ các mỏ khai thác Brazil tính đến giữa tháng 9/2020 tăng 33,3%, trong khi xuất khẩu từ Australia tăng 3,3%,

Tuần trước, giá FOB đối với thép cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc là khoảng 510 USD/tấn trong khi giá FOB của Ấn Độ cho cùng một sản phẩm lên đến 525 USD/tấn.

Các hoạt động kinh doanh tại thị trường thép nội địa của Trung Quốc gần đây đang yếu dần và hầu hết các nhà kinh doanh thép đều bi quan về các yếu tố cơ bản của thị trường thép. Do đó, giá thép xuất khẩu có thể sẽ giảm hơn nữa.

Một hệ quả khác của việc thu hẹp khoảng cách giá xuất khẩu là nhập khẩu thép của Trung Quốc đã hạ nhiệt rõ rệt vào cuối năm. Hầu như không có bất kì đơn đặt hàng bán thành phẩm nào được giao dịch vào tuần trước.

Theo Mysteel Global, các sản phẩm thép chính mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm nay chủ yếu là thép bán thành phẩm và thép HRC.

Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc tăng đột biến hơn 1.800%

Sau 8 tháng, lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu đi các nước đã tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), trong tháng 8, cả nước xuất khẩu 1,16 triệu tấn sắt thép, thu về 577,64 triệu USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 29,2% về kim ngạch so với tháng 7. Một số thị trường xuất khẩu nhảy vọt như Thổ Nhĩ Kỳ tăng 471% về lượng và tăng 830% về kim ngạch, đạt 137 tấn, tương đương 0,27 triệu USD; Indonesia tăng 235,3% về lượng và tăng 216,8% về kim ngạch, đạt 64.491 tấn, tương đương 37,36 triệu USD; U.A.E tăng 249% về lượng và tăng 104% về kim ngạch, đạt 1.738 tấn…

Tính chung 8 tháng của năm nay, xuất khẩu sắt thép cả nước đạt trên 5,96 triệu tấn, thu về 3,12 tỉ USD, tăng 36,8% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng với giá xuất khẩu trung bình đạt 522 USD/tấn thì năm nay giá bán giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép Việt Nam xuất khẩu tăng đột biến sang Trung Quốc với trị giá 2,07 triệu tấn, tương đương 844,5 triệu USD, tăng mạnh 1.827,5% về lượng và tăng 1.470% về kim ngạch nhưng giảm 18,6% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 34,8% trong tổng lượng và chiếm 27,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.

Bên cạnh đó, một số thị trường khác cũng tăng nhập sắt thép các loại từ Việt Nam như Brazil tăng 195% về lượng và tăng 144% về kim ngạch, đạt 16.602 tấn, tương đương 12,44 triệu USD; Đức tăng 143% về lượng và tăng 91,7% về kim ngạch, đạt 2.305 tấn, tương đương 3,03 triệu USD; Thái Lan tăng 89,5% về lượng và tăng 70,7% kim ngạch, đạt 469.212 tấn, tương đương 260,07 triệu USD.

Ngược lại, hoạt động xuất khẩu sắt thép trong 8 tháng giảm mạnh ở Ai Cập với 96% cả về lượng và kim ngạch, đạt 51 tấn, tương đương 0,04 triệu USD; Ả Rập Xê Út giảm 89,9% cả về lượng và giảm 88,3% về kim ngạch, đạt 589 tấn, tương đương 0,47 triệu USD; Mỹ giảm 59,4% về lượng và giảm 54,8% kim ngạch với 130.471 tấn, tương đương 115,82 triệu USD...

Giá thép xây dựng hôm nay 23/9/2020: Giá thép tăng, quặng sắt tiếp đà giảm - Giá thép ngày 23/9 tăng trên sàn giao dịch Thượng Hải. Nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao tại Trung Quốc đẩy giá quặng sắt lên cao  và làm tổn hại đến lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.
Giá gas hôm nay 24/9/2020: Tăng mạnh khi thời tiết lạnh hơn - Giá gas ngày 24/9 tăng mạnh, do thời tiết bắt đầu lạnh và dự báo sẽ bao phủ hầu hết khu vực Trung Tây trong 2 tuần tới (NOAA).