Giá thép xây dựng hôm nay 8/11: Giá thép giảm, thị trường giao dịch ảm đạm

(VOH) - Giá thép ngày 8/11 giảm, thị trường giao dịch ảm đạm, giá quặng sắt giao sau của Đại Liên giảm do hàng tồn kho tại các cảng Trung Quốc tăng.

Giá thép xây dựng hôm nay giảm

Giá thép thanh giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 28 nhân dân tệ xuống 4.412 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h30, ngày 8/11, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 8/11/2019

Ảnh minh họa: internet

Trong phiên thứ Năm 7/11, giá thép thanh xây dựng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Thượng Hải giảm 0,8% trong khi giá thép cuộn cán nóng giảm 0,9%, theo Reuters.

Giá quặng sắt giao sau của Đại Liên giảm do hàng tồn kho tại các cảng Trung Quốc tăng mặc dù mức tổn thất bị hạn chế nhờ nhu cầu phục hồi từ một số nhà máy thép.

Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Đại Liên, giao tháng 1/2020, giảm 2,2% xuống còn 611 nhân dân tệ/tấn (tương đương 87,14 USD/tấn).

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 12 giảm 1,1% xuống 80,15 USD/tấn vào lúc 7h02 (giờ địa phương).

Giá quặng sắt hàm lượng 62% ổn định ở mức 83,5 USD/tấn vào thứ Tư (6/11), mức thấp nhất kể từ ngày 29/1, dữ liệu của SteelHome cho thấy.

Giá giao ngay của nguyên liệu sản xuất thép đóng cửa ở mức tương tự như mức trước khi vụ vỡ đập hồi tháng 1 ở Brazil xảy ra, khiến giá chạm đỉnh 5 tháng.

Tồn kho quặng sắt nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc dao động quanh mức cao nhất trong 6 tháng, ước tính khoảng 131,65 triệu tấn tính đến ngày 1/11, theo SteelHome.

Giá than mỡ giảm 0,3% và giá than cốc giảm 0,8%.

Giá thép không gỉ đóng cửa ổn định ở mức 14.920 nhân dân tệ/tấn.

Ít dự án mới khởi công, tiêu thụ thép xây dựng chậm

Theo Bộ Công Thương, thị trường thép xây dựng nội địa tháng 10/2019 trầm lắng. Nguyên nhân là do tình hình thời tiết không thuận lợi như triều cường, mưa nhiều tại một số khu vực đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thép tại thị trường xây dựng dân dụng; tiêu thụ thép tại khu vực công trình cũng chậm hơn so với cùng kỳ do ít dự án mới khởi công.

Tháng 10 năm 2019, sản lượng thép thô ước đạt 1.679,7 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 543,2 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 724,1 nghìn tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2019, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 42,8%; 8,3% và 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp thép cần nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Thép ngoại giá rẻ tràn vào Việt Nam, thép nội lao đao

 Trong thời gian gần đây, do lượng thép giá rẻ nhập khẩu từ các nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… vào Việt Nam tăng nhanh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành gang thép trong nước gặp nhiều khó khăn.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và trật tự cung cầu của ngành gang thép. Các nhà máy thép lớn trên thế giới như ArcelorMittal phải giảm sản lượng 3 triệu tấn, U.S. Steel tuyên bố dừng sản xuất 2 lò cao.

Trái ngược với điều đó, sản lượng của các nhà máy sản xuất gang thép tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nga lại không giảm mà còn tăng. Khi nhu cầu sử dụng nội tại không lớn, hầu hết sản lượng thép sản xuất ra được nhà máy xuất khẩu sang các nước khác, trong đó Việt Nam.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải Quan, tính chung cả 9 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắt thép các loại tăng 4,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2018, đạt 10,81 triệu tấn, trị giá 7,21 tỷ USD.

Toàn bộ giá sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga là những nước có sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam lớn nhất.

Giá thép xây dựng hôm nay 7/11: Giá thế giới tăng nhẹ  - Giá thép ngày 7/11 tăng trong khi lo ngại về dự trữ cao và nhu cầu yếu tại quốc gia sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
Giá gas hôm nay 8/11: Giảm ngày thứ ba liên tiếp - Giá gas ngày 8/11 giảm ngày thứ ba liên tiếp trong bối cảnh tồn kho khí gas tăng ít hơn dự kiến.