Hoạt động Ngân hàng thành phố 4 tháng đầu năm có nhiều tích cực

(VOH) - Chiều ngày 12/5, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và các tổ chức tín dụng về tình hình hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2015.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố có biểu hiện tích cực. Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, không chỉ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi, tăng trưởng kinh tế mà còn trực tiếp tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm đạt 4,14%. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, thành phố tăng trưởng tín dụng ngay từ tháng giêng và tăng đều qua các tháng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn tăng 7,66%, chiếm 53% tổng dư nợ tín dụng.

Riêng về chương trình tín dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM phối hợp các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận huyện trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện được 6 đợt kết nối tại 12 quận huyện, giải ngân hơn 25.600 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6 hoặc tháng 7, sẽ hoàn thành chỉ tiêu 60.000 tỷ mà Ủy ban Nhân dân thành phố giao từ đầu năm.

Việc xử lý, thu hồi nợ xấu tiếp tục được các ngân hàng trên địa bàn tích cực thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu còn ở mức khá cao, chiếm 5,53%. Riêng 3 tháng đầu năm 2015, đã xử lý được hơn 6.100 tỷ đồng nợ xấu. Theo kế hoạch, trong năm 2015, nợ xấu xử lý và đưa về mức dưới 3%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết: "Để xử lý nợ xấu thì các ngân hàng thương mại phải xử lý từ nhiều nguồn, trong đó có các giải pháp là bán nợ cho VAMC, thứ hai là xử lý từ nguồn dự phòng rủi ro, thứ ba là xử lý từ các tài sản và thứ tư là thu hồi nợ từ khách hàng".

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai tích cực. Sau hơn 3 năm tái cơ cấu, kết quả lớn nhất là tính ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và hệ thống các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn thành phố nói riêng. Lãi suất ổn định và trong xu hướng giảm đã hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Riêng lãi suất cho vay trung và dài hạn đã giảm từ 0,6- 0,9% so với cuối năm 2014.

Ảnh minh họa - Nguồn: PNO.

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM đặt vấn đề: "Tôi gặp các tập đoàn dệt may, da giày, mà những doanh nghiệp tốt, họ không muốn vay lãi suất trung hạn để đầu tư. Mục tiêu của chúng ta là tái cấu trúc nền kinh tế, là dùng công cụ tín dụng trung hạn để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, đầu tư mới, đổi mới công nghệ. Chỗ này chúng ta cần làm rõ hơn. Phía nhà băng thì cho là hợp lý nhưng doanh nghiệp thì cho rằng còn cao, nhất là trung hạn".

Tại buổi làm việc, đại diện các ngân hàng cũng cho biết, so với thời điểm này năm ngoài thì tốc độ tăng tín dụng đã ấm lên, dòng tiền tạm trú giảm, vốn đã quay lại với sản xuất kinh doanh. Lãi suất không còn là vấn đề nóng nữa. Việc tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là sáp nhập, có rất nhiều nội dung cần phải làm để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực để ngân hàng phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, theo chuẩn mực quốc tế. Đây là vấn đề quan trọng trong phát triển của các ngân hàng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng làm sao để cung ứng được nguồn vốn đối với doanh nghiệp thực sự khó khăn. Hiện lãi suất cho vay được Sacombank áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng này là 6,9%/năm, đến nay đã cam kết gần 500 tỷ đồng".

Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực lớn của ngành ngân hàng thành phố trong năm 2015, tăng tín dụng tích cực là tín hiệu tốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế thành phố. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp.