Kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre

(VOH) - Hội thảo “Giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre” được tổ chức vào chiều ngày 24/9.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Công Thương tỉnh Bến Tre phối hợp với Câu lạc bộ doanh nghiệp Bến Tre tại TPHCM tổ chức hội thảo “Giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre”, đây là hoạt động nằm trong hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành năm 2020.

Các sản phẩm OCOP (One commune, one product) mang ý nghĩa “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Hội thảo giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre.

Hội thảo nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre năm 2020; đồng thời mở rộng giao lưu kinh tế giữa Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hoá, nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương; Tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần phát triển thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu.

Bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương cho hay, hội thảo là một hoạt động xúc tiến thương mại khởi đầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục thị trường, ổn định sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu quảng bá đẩy manh tiêu thụ sản phẩm OCCOP và đặc sản tỉnh Bến Tre, thúc đẩy sản xuất phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

"Việc tổ chức hội thảo lần này là cơ hội giúp các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre có điều kiện mở rộng hoạt động giao thương, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất phân phối, kết nối hàng hoá nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCCOP và đặc sản tỉnh Bến Tre vào hệ thống phân phối tại thị trường TPHCM”, bà An nói.

Ông Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đang tập trung xây dựng các thương hiệu, đang xây dựng bảy chỉ dẫn địa lý, hiện nay đã làm được dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, cua, tôm và xoài. Hiện nay cũng đã có 4 nhãn hiệu được chứng nhận và 22 nhãn hiệu tập thể, thì các sản phẩm này đang được bán ở trên thị trường cũng như trong các hệ thống siêu thị, cũng như các chợ đầu mối.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tuyền - Giám đốc phòng giao dịch nhà cung cấp của Saigon Coop, doanh nghiệp ở miền Tây cần suy nghĩ thêm về OCOP, tuy nhiên việc chọn lựa sản phẩm vào OCOP như thế nào là vấn đề rất quan trọng trong kinh doanh. Nếu chỉ cần chọn sai sản phẩm OCOP thì sẽ có hậu quả rất nghiêm trọng. Khi chào hàng vào các hệ thống phân phối thì bà Thanh Tuyền cho biết: “Nếu bị từ chối thì chúng tôi sẽ nói rõ lý do gì để cải tiến tốt hơn cho lần chào hàng sau. Chúng ta có quyền chào hoài, chào hoài, chúng tôi có thể tiếp nhận không hạn chế số lượng”.

Ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc thu mua toàn quốc MM Mega Market cho biết, MM Mega là một trong những công ty mua hàng rất nhiều từ tỉnh Bến Tre. Tính đến thời điểm này Bến Tre là tỉnh chủ lực của công ty về trái cây. Mặt hàng chiến lược của tỉnh Bến Tre gồm có bưởi hồng da xanh và mặt hàng tôm thẻ. Ngoài ra thì sản phẩm nổi tiếng của Bến Tre là sầu riêng, măng cụt, tuy nhiên hai mặt hàng này chưa có giấy chứng nhận OCOP nào ngoại trừ bưởi hồng da xanh. Vì vậy, đề nghị tỉnh nghiên cứu làm sao có chứng nhận OCOP của các mặt hàng này.

Ngoài ra ông Phạm Văn Hùng còn nhấn mạnh: “Sắp tới đây chúng tôi hình thành một trạm trung chuyển trái cây tại miền Tây, chúng tôi sẽ thu mua rất nhiều trái cây của tỉnh bến Tre để cung cấp cho toàn bộ trung tâm MM Mega từ Rạch Giá tới Hà Nội. Hy vọng tỉnh Bến Tre quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm OCCOP đã được người ta biết đến thương hiệu”

Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre.

Thay mặt tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp về các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh, từ đó cải thiện sản phẩm của Bến Tre ngày càng tốt hơn:

Đối với Bến Tre, những sản phẩm OCOP đang dần từng bước giới thiệu qua nhiều sự kiện, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, kết hợp với các tỉnh thành đặc biệt là TPHCM. Chúng tôi cũng đã giới thiệu và dần có từng bước cải thiện. Hiện nay chất lượng, sự đồng bộ, nhãn hiệu, hướng dẫn, chỉ dẫn địa lý được tỉnh tập trung đầu tư tương đối mạnh để giúp cho các doanh nghiệp có những sản phẩm đưa ra thị trường”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết, không chỉ trao đổi một chiều mà tỉnh Bến Tre muốn trao đổi hai chiều với những hệ thống phân phối như Saigon Coop, Big C, chuỗi siêu thị nhỏ của Bách Hoá Xanh, cũng như chuỗi cửa hàng tiện ích của Vinmart kinh doanh trên thị trường Bến Tre, cùng góp sức để những sản phẩm không chỉ của Bến Tre, mà còn của các tỉnh xung quanh, Việt Nam, TPHCM đến người tiêu dùng của tỉnh Bến Tre.

Gần 1.000 doanh nghiệp mang theo sản phẩm, đề án tham gia hội nghị cung cầu năm 2020 – Gần 1.000 doanh nghiệp mang theo sản phẩm, đề án tham gia hội nghị cung cầu năm 2020 khai mạc sáng 24/9.