Năm 2017: Có thể giảm lãi suất trung và dài hạn

(VOH) - Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã giữ ổn định thị trường tiền tệ trong môi trường "rung lắc mạnh", đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1,1- 1,2%, thanh khoản được đảm bảo. Đây là những kết quả được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo trong Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các tỉnh, thành diễn ra ngày 29/12.  

Ngân hàng Nhà nước đã giữ ổn định thị trường tiền tệ trong môi trường "rung lắc mạnh". Ảnh: vietstock

Đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Năm 2016, nhờ có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc điều hành lạm phát, giá cả, đã góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý. Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Rủi ro được nhận diện và có biện pháp bảo đảm an toàn. Bình quân lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5- 1%. 

Điểm tích cực trong công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 chính là ổn định tỷ giá, tạo được lòng tin vào đồng Việt Nam của các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả nhu cầu và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường ngoại hối đều được đảm bảo.   

Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với một số khó khăn trong thời gian tới, đó là vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, cũng đã đề cập đến việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế tập trung vào: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn xử lý nợ xấu.

"Đến nay, đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 5 năm tới thì Ngân hàng Nhà nước đã trình từ tháng 10, đã tiếp thu và hoàn thiện 1 lần, cố gắng trong tháng 1/2017 sẽ hoàn thành và trình ra Trung ương. Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình 5 đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng và 2 ngân hàng yếu kém khác. Hiện nay, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xây dựng đề án cụ thể để tái cơ cấu các lĩnh vực này", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho biết.

Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong năm 2017 kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Về trung hạn thì nợ xấu, trong dài hạn thì nợ công, đây là những vấn đề rất lớn. Nợ công theo số liệu báo cáo thì đã sát trần, nhưng nếu tính đầy đủ thì có thể đã vượt trần cho phép, còn nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém rất khó khăn.

"Hai vấn đề quan trọng tôi đã nêu là xử lý nợ xấu và nợ công. Quyết liệt xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Phải xử lý căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước phải triển khai cụ thể, đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ. Thận trọng và an toàn hệ thống là mục tiêu đề ra nhưng mà kéo dài mãi không được", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Dự báo năm 2017, kinh tế thế giới với nhiều diễn biến khó lường; nhiều nước áp dụng chính sách phá giá đồng tiền hỗ trợ xuất khẩu…do đó, chính sách tiền tệ phải tiến hành thận trọng, linh hoạt để đảm bảo hài hòa mục tiêu khi tăng trưởng kinh tế đặt ra mức cao hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, cho hay: "Ngân hàng Nhà nước dự kiến trong năm 2017 về điều hành lãi suất thì áp lực tăng lãi suất do mục tiêu tăng trưởng là cao. Cho nên, đòi hỏi điều hành lãi suất phải rất linh hoạt và phải bám sát các cân đối vĩ mô và tiền tệ cũng như mục tiêu chính sách của chúng ta để có thể kiểm soát và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, cố gắng phấn đấu để có thể giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Thủ tướng chỉ đạo".

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát những biến động thị trường trong nước và quốc tế, dự báo kịp thời để có những giải pháp điều hành phù hợp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Kiểm soát quy mô tín dụng, phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời đề nghị, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát để đảm bảo sự bền vững cho nền kinh tế. Nhưng trong chính sách vĩ mô cần hạn chế sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ thay cho các giải pháp tài khóa và ngân sách.