Sức xuân cho ngành nông nghiệp TP.HCM

(VOH) - Khác với nhiều địa phương trên cả nước, nền nông nghiệp của TP.HCM là nền nông nghiệp đô thị. Chính vì vậy, thành phố đang chú trọng xây dựng ngành nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp hiện đại, tiếp thu công nghệ, máy móc thiết bị mới. Và đây được xem là chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa đến với nền nông nghiệp tiên tiến, năng suất cao và thân thiện với môi trường.
Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: ven

TPHCM là đô thị dẫn đầu cả nước về nhiều mặt. Bên cạnh việc đầu tư kinh tế xã hội, Đảng bộ cùng chính quyền các cấp vẫn luôn lấy nông nghiệp làm chỗ dựa vững chắc cho quá trình phát triển lâu dài của thành phố mang tên Bác. Và trong xu thế hội nhập với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, “Công nghệ cao” sẽ đóng vai trò hạt nhân, trở thành “sức xuân” tươi mới cho ngành nông nghiệp thành phố.

“Phi nông bất ổn” - nông nghiệp vào bất kỳ thời điểm nào cũng đóng vai trò không thể thay thế trong việc đảm bảo cho xã hội hay nền kinh tế duy trì khả năng phát triển ổn định. Theo cách tương tự, “Công nghệ cao” hiện nay chính là chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa đến với nền nông nghiệp tiên tiến, năng suất cao và thân thiện với môi trường. Hay như ý kiến của PGS. TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - đó còn là cơ sở để hướng ra thị trường quốc tế:

Tại TPHCM nhiều năm qua, chính quyền đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để chuyển giao các mô hình ứng dụng hiệu quả cho hơn 1,2 triệu nông dân vùng ven, đặc biệt là tại các xã Nông thôn mới.

Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao - trực thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP trong năm 2012 đã chuyển giao được khoảng 2 triệu cây lan hồ điệp, 300.000 cây lan Dendrobium và hơn 200.000 cây ớt giống. Nhiều mô hình trình diễn và chuyển giao ứng dụng phương thức canh tác mới cho năng suất tăng gấp 2 lần so với cách làm cũ. Công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel được áp dụng phổ biến giúp tiết kiệm 60% lượng nước và có thể tự động hóa. Ông Phạm Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao cho biết về quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con:

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP cho biết, mỗi năm trung tâm mở rất nhiều khóa tập huấn đào tạo giúp cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn ngay khi chập chững thành lập. Trung tâm phối hợp các tổ chức tài chính, tổ chức khoa học - công nghệ để giúp các doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, giảm chi phí hoạt động, dễ dàng tiếp cận các nguồn đầu tư, mạng lưới các đối tác, mở rộng hoạt động, thị trường và phát triển kinh doanh. Ông Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP cho biết sắp có vốn ODA từ Bộ NN-PTNT rót xuống cho trung tâm:

Có thể thấy, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để giải quyết bài toán kinh tế, đời sống vùng nông thôn đã và đang giúp người nông dân TPHCM nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, góp phần xây dựng Nông thôn mới. Năm 2012, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP đã thực hiện 70 đề tài nghiên cứu với kinh phí trên 12 tỷ đồng, tạo ra giá trị sản phẩm từ các loại giống, chế phẩm sinh học hơn 64 tỷ đồng. Ông Trần Phước Dũng - Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP nhấn mạnh:

Đất nông nghiệp của TPHCM đang bị thu hẹp nhưng tỉ lệ hộ dân gắn với nông nghiệp vẫn còn nhiều với gần 330.000 hộ. Do vậy, thành phố đặt ra yêu cầu bằng mọi giá phải nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, tìm ra những cây - con tạo giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích. Trên cơ sở này, ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND TP đưa ra định hướng chung cho ngành nông nghiệp thành phố:

Hướng đi trong thời gian tới, nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố phải tiếp tục kêu gọi được các nhà đầu tư thứ cấp, có vốn, có công nghệ đáp ứng tiêu chí vào đây để sản xuất, kinh doanh. Xuất phát từ lợi ích của mình, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ra bên ngoài. Đồng thời tổ chức khóa huấn luyện đào tạo, chuyển giao nhân lực, chuyển giao giống ra bên ngoài để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn. Việc chuyển giao, hỗ trợ, dẫn dắt mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dần dần sẽ tạo ra nhận thức sản xuất, tạo ra nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát biểu tại Vòng chung kết hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra lời kêu gọi thúc đẩy công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương:

Sản xuất nông nghiệp cần tính tuần hoàn, liên tục. Ứng dụng công nghệ cao thì đòi hỏi phải có thời gian “thai nghén”, nghiên cứu để đi vào thực tế. Do đó, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không thể “đại trà” trong một sớm một chiều. Nói cách khác, với nông nghiệp công nghệ cao, không nên “giục tốc bất đạt” nhưng cũng không chần chừ, thụ động theo kiểu “ngại khó không làm”.

Nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố với kết quả đã làm được và những tiềm năng to lớn còn chưa khai thác mang đến “sức xuân” tươi mới của tuổi trẻ, đây chính là tương lai của nông nghiệp thành phố và trở thành đòn bẫy, đưa thêm nhiều thương hiệu nông sản Việt có mặt trên thị trường thế giới.