“Thức ăn nhanh và những hệ lụy” - Giải mã hiện tượng thức ăn nhanh

(VOH) - Những năm gần đây, thức ăn nhanh mang thương hiệu ngoại đang xuất hiện tại thị trường trong nước ngày một nhiều, điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức ẩm thực nhanh, tiện lợi đang gia tăng theo sự phát triển của đời sống công nghiệp, tuy nhiên, ẩn đằng sau đó là những hệ lụy mà người ta có thể không ngờ tới...
"Người Việt Nam không đến các cửa hàng thức ăn nhanh để thưởng thức hương vị món ăn. Họ đến McDonald’s như là cách thể hiện sự sành điệu, xu hướng thời thượng”, Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương của McDonald đã bình luận như thế trên USA Today. Ảnh: Đất Việt

Mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh theo kiểu phương Tây có mặt ở TPHCM vào năm 1994 với thương hiệu đầu tiên là KFC, sau đó Lotteria, Jollibee, tiếp theo là Pizza Hut, Burger King, Subway và gần đây nhất miếng bánh đã có thêm sự chia sẻ  bằng cửa hàng Mc Donald’s đầu tiên tại Việt Nam. Chỉ trong ngày đầu tiên cửa hàng khai trương vào tuần thứ 2 của tháng 2 đã thu hút hơn 2.000 người rồng rắn xếp hàng mua phần ăn. Người đại diện của thương hiệu đã chia sẻ mong muốn sẽ mở 100 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Không chỉ có thức ăn mà thời gian qua một số nhãn hiệu đồ uống cũng khuynh đảo thị trường bằng nhiều sự kiện đình đám. Mấy năm qua các thương hiệu đã có mặt nhanh chóng mở rộng thị trường , trong khi đó không ít thương hiệu mới đang rục rịch dòm ngó tìm chỗ chen chân. Có người đã nói vui rằng, Mc Donald’s đã thổi bùng một cuộc chiến giành giật thị phần thức ăn nhanh trong năm 2014. Bởi với dân số trên 90 triệu người, trong đó có khoảng 65% dưới 35 tuổi, nước ta thật sự là một mảnh đất màu mỡ cho các chuỗi cửa hàng ăn nhanh cày xới. Hiện tại, 3 thương hiệu đang dẫn đầu thị trường là KFC, Lotteria và Jollibee. Trong khi đó các thương hiệu mới tham gia như Burger King cũng cho biết họ sự kiến đầu tư khoảng 40 triệu USD cho hoạt động kinh doanh của mình. Chuyên gia cao cấp Lý Trường Chiến lý giải: "Khuynh hướng công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển chuyển dần qua thì sẽ làm cho những văn hóa nhu cầu sẽ thay đổi, trong đó chuyện về thức ăn nhanh là một trong những điều nhìn thấy rõ và phát triển mạnh đến thị trường và dĩ nhiên một thời gian sau sẽ tác động vào chiều sâu của văn hóa ẩm thực. Nói về thị phần bản thân doanh số sẽ ngày càng gia tăng, thứ nhì thì người trẻ tuổi thì giao thoa văn hóa sẽ làm cho việc tiếp nhận văn hóa ăn uống cũng phong phú hơn".            

Như phân tích của ông Lý Trường Chiến thì bất kỳ một xã hội nào khi đã mở cửa đón nhận sự đầu tư kinh tế, giao thoa văn hóa thì những yếu tố ẩm thực cũng không nằm ngoài guồng quay này. Huống chi đây lại là xu hướng tất yếu của đời sống công nghiệp. Ở đâu có thể khai thác được thì chỗ đó ắt có đầu tư. Miếng bánh thị phần chỉ có ngần đó, nhiều người cùng khai thác thì sẽ có cạnh tranh, nhìn nhận ở mặt tích cực người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất, không cần phải sang tận Mỹ cũng có thể được thưởng thức chiếc bánh mì kẹp của Mc Donald’s với hương vị không đổi. Trong khi những thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài rầm rộ tham gia thị trường thì thức ăn nhanh Việt Nam dường như vẫn án binh bất động.

Nhìn lại những món ăn của ta rất nhiều chuyên gia ẩm thực của thế giới từng phải công nhận, Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới nhưng cho đến nay vẫn chưa có một thương hiệu nào nổi bật. Trước đây, người ta còn nuôi hy vọng vào Phở 24 với gần 100 cửa hàng trên cả nước, thế nhưng thương hiệu này đã được chuyển nhượng lại cho công ty Việt Thái Quốc tế, đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê Highlands Coffee và nghe đâu đơn vị này cũng đã chuyển nhượng một nửa cổ phần cho một đơn vị khác của nước ngoài. Cũng vào thời điểm đó, một thương hiệu thức ăn nhanh khác là cơm kẹp VietMac cũng được kỳ vọng là sẽ làm nên chuyện, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có những chuyển biến tích cực từ thương hiệu này.

Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập thương hiệu Pizza Home cho rằng, điểm mấu chốt chưa làm nên sự thành công của những thương hiệu Việt đó là chính là tư duy về chiến lược xây dựng thương hiệu, maketting, tính đồng bộ của các món ăn cũng như nhiều yếu tố khác như uy tín, vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này minh chứng qua các món ăn khá hấp dẫn như phở, bánh cuốn, xôi, cháo gỏi gà, bánh mì kẹp thịt được đóng mác gia truyền, chính gốc, gốc cũ hay không có chi nhánh. Nhưng đó chỉ là cung cách làm ăn nhỏ lẻ, thủ công. Bởi vậy việc các ông lớn nhảy vào giữa thị trường trong khi các doanh nghiệp Việt chạy vòng quanh cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, cánh cửa không phải đóng chặt mà nó vẫn còn nhiều lối đi riêng mà các doanh nghiệp có thể khai thác, quan trọng là họ nhìn thấy cơ hội của mình trong đó như thế nào mà thôi, ông Tùng cho hay: "Giáo sư Michel Poster - cha đẻ của chiến lược cạnh tranh đã từng nói rằng, trong mỗi một doanh nghiệp thì có 1 điểm lợi thế cạnh tranh của mình, đó là chúng tôi có thể làm tốt hơn đối thủ của mình ở một điểm. Cái đó không có mẫu số chung, chúng ta phải làm sao để sống cùng các ông lớn. Sản phẩm chỉ là một vấn đề thôi, chúng ta làm tốt nhưng chúng ta thiếu đi cái tư duy làm đồ ăn nhanh, tư duy thương hiệu, nhượng quyền, những cửa hàng bán phở gia truyền bún gia truyền 50-60 năm nhưng chỉ phát triển được ở quy mô nhỏ lẻ". 

Thực tế, cái khó của các doanh nghiệp hiện nay là vốn chứ không phải vấn đề gì khác, trong khi các tập đoàn nước ngoài khi muốn tham gia vào thị trường nào đó thì đã có quá trình  nghiên cứu rất kỹ từ thị hiếu của người tiêu dùng thời gian xuất hiện khi nào là phù hợp. Tiềm lực tài chính mạnh giúp cho họ có thể đầu tư cho quảng cáo, marketting, các chương trình khuyến mãi sốt dẻo phủ ngập các kênh truyền thông. Trong khi doanh nghiệp Việt vì kinh phí eo hẹp nên chỉ dám thực hiện theo hình thức nhỏ giọt, khó tạo được điểm nhấn cho khách hàng. Tự xoay sở trong nhiều điều kiện như vậy nên thật khó để ló được cái khôn. Về phía khách hàng họ nghĩ gì khi chọn thức ăn nhanh nước ngoài mà bỏ rơi những bữa cơm nhà.

"Thức ăn nhanh cơ bản là nó nhanh, khi nào mình cần tiện thì mình mới vào thức ăn nhanh chứ không phải là sở thích, nó bình thường nhưng hợp khẩu vị với con nít. Thường Việt Nam mình có xu hướng bầy đàn, người ta tới thì mình tới cho vui vậy thôi, chứ không phải là vì hứng thú gì hết".

"Nhãn hàng Mc Donald’s mới vừa đến Việt Nam, thì chuyện mình đứng xếp hàng để thưởng thức thì em nghĩ rằng chính đáng vì chưa bao giờ thưởng thức nhãn hàng này, thường thì tâm lý cái nào là đầu tiên thì lạ và có khi mình muốn đánh dấu kỷ niệm thì mình mới làm chuyện đó".

"Các bạn trẻ xì tin nói chung và giới trẻ bây giờ thì họ thích và họ biết thưởng thức nhiều dạng đồ ăn, ẩm thực của các nước cho dù mình biết nấu nhưng mình cũng không thể nấu được hết các món ăn của các nước được, chính mình cũng muốn đi thưởng thức xem nó như thế nào".  

Từ ý kiến của các vị khách hàng có thể thấy sự du nhập ồ ạt của những nhãn hiệu thức ăn nhanh đồng thời cũng đã thay đổi mạnh tư duy về ẩm thực cũng như cách tiếp cận những món ăn này. Ở nước ngoài thức ăn nhanh phải đáp ứng được tiêu chí nhanh, gọn và trong một khoản thời gian ngắn nhất có thể cung cấp đầy đủ năng lượng để có thể tiếp tục làm việc hay học hành. Thế nhưng khi du nhập vào nước ta, mục đích của nó đã bị thay đổi, là công cụ giúp cho giới trẻ thể hiện sự sành điệu, đẳng cấp. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ về sự kiện cửa hàng Mc Donald's khai trương, người ta chen chúc, rồng rắn xếp hàng để được thưởng thức. Trước đó, nhãn hiệu cà phê Starbuck cũng khiến người tiêu dùng náo loạn mong muốn được thưởng thức những ly cà phê đầu tiên. Chỉ tính riêng về giá cả, một phần gà rán thường dao động từ 75.000 - 80.000 đồng, phần bánh mì kẹp, nước và khoai tây khoảng 65.000 đồng. Trong khi đó, một ly cà phê Starbucks loại thường là 85.000 đồng và loại đặc biệt có thể lên tới 150.000 đồng. Với người lao động bình dân thì những phần ăn này có phần xa xỉ. Đâu chỉ là những ảnh hưởng về mặt kinh tế, cơn lốc thức ăn nhanh từ nước ngoài còn đem đến cho người tiêu dùng những hệ lụy về mặt sức khỏe và sự thay đổi khẩu vị thưởng thức ẩm thực có thể ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của thế hệ mai sau.

(Còn tiếp)