Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016

(VOH) - Năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP ước đạt 6,68%. Bước sang năm 2016, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ có những cơ hội tốt từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển
 
Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khẳng định, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài và triển vọng trung hạn được đánh giá là tích cực. Dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 đạt 6,6%, với động lực phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Triển vọng đà tăng trưởng của Việt Nam là tích cực và lạm phát sẽ ở mức thấp.
 
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng 2016 vẫn tiếp tục đà của 2015, kinh tế tiếp tục phục hồi ở mức chậm nhưng vững chắc, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, môi trường kinh doanh theo công bố của Ngân hàng Thế giới, dự đoán Việt Nam tăng nhiều bậc, năm nay tăng 3 bậc nhưng sang năm có thể tăng hơn 10 bậc
.
 
Từ tình hình thực tiễn của năm 2015 và triển vọng của kinh tế thế giới và trong nước, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cũng đã đưa ra một số kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016. Theo đó, nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định và tiếp đà phát triển, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện. Nền kinh tế phát triển mạnh nhờ những động lực phát triển kinh tế, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, tham gia các hiệp định tự do thương mại,…
 
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, cho rằng với tác động tích cực từ quá trình hội nhập, từ kinh tế thế giới và bản thân chúng ta trong quá trình cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sẽ tạo thêm những động lực tốt hơn cho quá trình phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
 
Ảnh minh họa - Nguồn: vietnamfinance
 
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhìn vào sự tăng trưởng chung của khu vực, dù vẫn có sức ép của quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, kinh tế châu Á đã có sự phát triển mạnh hơn so với toàn cầu.
 
Những tín hiệu tích cực đến từ Việt Nam và Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ nhờ sự thúc đẩy của dịch vụ, hỗ trợ chuyên môn còn Việt Nam là nền kinh tế có sự hồi phục rất lớn của hoạt động sản xuất công nghiệp, chế biến.
 
Bên cạnh đó, chi phối lớn nhất bức tranh tài chính năm 2016 là câu chuyện tăng lãi suất của Hoa Kỳ và câu chuyện tăng trưởng tín dụng của Việt Nam. Việc Fed nâng lãi suất USD lên theo một lộ trình từ từ trong 2016 là chắc chắn. Đây là yếu tố dẫn đến sức ép vào dòng vốn chứng khoán, dòng vốn gián tiếp sẽ được điều chỉnh để chảy ngược về Hoa Kỳ.
 
Dự báo, trong năm 2016, tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ cải thiện đôi chút. "Ở các nền kinh tế ASEAN, dự báo là mặc dù có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, việc tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, nhưng tăng trưởng ở ASEAN nói chung sẽ được cải thiện một chút trong năm 2016 (so với 2015). Bước đầu đánh giá chủ yếu là niềm tin của nhà đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng trong cả khu vực này sẽ được cải thiện nhờ việc chính thức thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN", ông Nguyễn Xuân Thành, phân tích.
 
Tập trung tín dụng vào sản xuất
 
Trong năm 2015, chính sách tiền tệ đã đạt được những thành công đáng kể. Trong đó, mặt bằng lãi suất đã được đưa về mức được cho là tốt nhất trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế được phục hồi, góp phần vào đạt tốc độ tăng trưởng cao, có thể nói là cao nhất trong nhiều năm qua.
 
Trong năm 2016, về mục tiêu chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tín dụng sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên…
 
Tuy nhiên, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng vẫn đối mặt với thách thức. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ: "Với hệ thống ngân hàng của chúng tôi thì vẫn thấy được có những khó khăn thách thức. Đối với Việt Nam rõ ràng là nhu cầu vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là khi bước vào hội nhập mạnh mẽ thì vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Cho nên thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc cân đối vốn để đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đấy là điều vô cùng khó khăn".
 
Sức ép cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước
 
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 với những mục tiêu như: tốc độ tăng GDP đạt 6,7%, xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, lạm phát dưới 5%, vốn đầu tư toàn xã hội bằng 31% GDP.
 
Năm 2016, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ có những cơ hội tốt từ quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hội nhập cũng sẽ gây ra nhiều sức ép đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
 
Đối với doanh nghiệp đó là sức ép cạnh tranh, do đó doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin nâng cao sức cạnh tranh. Đối với cơ quan quản lý là sức ép cần thay đổi tư duy làm chính sách, thay đổi tư duy quản lý để tương tác tốt hơn với khu vực doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn và làm tốt chức năng của nhà nước kiến tạo trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng.