VĐHN: Người dân không nên kinh doanh vàng trên tài khoản

(VOH) - Thời gian gần đây, việc kinh doanh sàn vàng ảo của một số tổ chức đã gây thiệt hại cho người dân. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch trên sàn giao dịch vàng...

Sau khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ chính thức có hiệu lực, thị trường vàng miếng trong nước đã có nhiều thay đổi cơ bản theo hướng tích cực.

Thời gian gần đây, việc kinh doanh sàn vàng ảo của một số tổ chức đã gây thiệt hại cho người dân. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch trên sàn giao dịch vàng và thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Bởi, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn rủi ro rất cao, đặc biệt cho chính bản thân nhà đầu tư.

Xung quanh nội dung này, phóng viên Đài đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.

* Thưa ông, mới đây lực lượng công an triệt phá sàn vàng ảo HGI, qua sự việc này thì NHNN có cảnh báo gì tới người dân về những rủi ro từ hoạt động giao dịch vàng tài khoản?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Việc hoạt động của các sàn vàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hay trên cả nước nói chung, đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho một doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nào hoạt động để kinh doanh vàng tài khoản hay tổ chức 1 sàn vàng. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị người dân nên nắm thông tin này và phổ biến tuyên truyền để những người thân, bạn bè biết để có sự cảnh giác cao độ vì đây là những nơi có sự rủi ro cao. Và khi có rủi ro, không có ai để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia vào các sàn vàng này.

Chúng tôi xin nhắc lại, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp giấy phép nào cho tổ chức, đơn vị hay cá nhân để kinh doanh hoạt động sàn vàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trả lời phỏng vấn - Ảnh: Dantri.

* Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về thị trường vàng sau khi Nghị định 24 có hiệu lực từ ngày 3/4/2012?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Căn cứ vào Nghị định 24 Chính phủ ban hành ngày 3/4/2012 thì công tác quản lý thị trường vàng trên toàn quốc cũng theo một cơ chế mới và cơ chế này hiện nay đã phát huy kết quả. Thứ nhất, chúng ta đã hạn chế, thực hiện đúng lộ trình chống vàng hóa và đô la hóa trong nền kinh tế. Biểu hiện rõ nhất là chúng ta đã chuyển dần mối quan hệ huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua bán bằng vàng. Thứ hai, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lại mạng lưới mua bán vàng miếng theo đúng yêu cầu điều kiện của Nghị định 24.

Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hơn 900 điểm mua bán vàng miếng nhưng phân bố ở tất cả 24 quận huyện, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân.

Cuối cùng, trong kết quả đạt được rất lớn là rủi ro trong hoạt động về vàng tại các ngân hàng thương mại hầu như đã được loại bỏ. Với những kết quả trên thì có thể nói thị trường vàng của chúng ta trong những thời gian qua rất ổn định, mọi nhu cầu của người dân về ngoại tệ vẫn được đảm bảo. Vàng nhập lậu không còn nhiều và cũng không tác động lớn đến thị trường ngoại hối như trước đây.

* Riêng về tình hình tất toán vàng tại các tổ chức tín dụng đến thời điểm hiện nay được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Đến cuối tháng 9/2013, hầu hết các tổ chức tín dụng đã tất toán vàng huy động. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trước đó thì có hơn 2,7 triệu lượng vàng (tương đương 100 tấn) huy động trong dân, chiếm khoảng 95- 96% tổng vốn huy động vàng trong cả nước, cũng đã tất toán vàng theo đúng quy định. Riêng dư nợ cho vay thì đến thời điểm hiện nay trên địa bàn thành phố thì chỉ còn hơn 50.000 lượng vàng tính đến cuối năm 2014.

* Cám ơn ông!