71% vụ TNGT xuất phát từ ý thức con người

(VOH) - Trên thực tế, vấn đề ý thức giao thông kém vốn tồn tại lâu nay mà chưa có giải pháp thực sự hiệu quả.

Tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông vẫn phức tạp khi bình quân mỗi ngày, cả nước có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời. Thực trạng này một lần đánh động đến vấn đề ý thức tham gia giao thông của người dân. 

Theo Bộ Công an, năm 2016 có hàng triệu phương tiện vi phạm giao thông, cảnh sát đã xử phạt trên 2.000 tỷ đồng, đó là chưa kể thiệt hại về người lên đến con số hàng ngàn. Trong khi đó Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thống kê giai đoạn 2005-2010, bình quân mỗi năm trên 12.000 người chết vì tai nạn giao thông; giai đoạn 2011-2015 gần 9.600 người/năm, trung bình giảm khoảng 21%. Điều đáng nói ở đây phần lớn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là do ý thức của người tham gia giao thông chiếm hơn 71%.

Trên thực tế, vấn đề ý thức giao thông kém vốn tồn tại lâu nay mà chưa có giải pháp thực sự hiệu quả. Tất cả phương tiện truyền thông đều cảnh báo hậu quả về tai nạn giao thông, kêu gọi mọi người nâng cao ý thức, tuân thủ quy định để tham gia giao thông một cách an toàn. Ngay cả các hãng sản xuất xe máy, xe ô tô cũng tích cực tham gia nhiều chiến dịch truyền thông về an toàn giao thông. Tuy nhiên, kết quả đạt được cho đến nay vẫn thấp.

Thống kê cho thấy, lỗi ý thức tập trung chủ yếu là đi không đúng làn đường, chuyển hướng đột ngột, quy trình thao tác lái xe không đúng, chạy quá tốc độ, không nhường đường tại nơi giao nhau, vượt ẩu và phổ biến là sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện. Mặc dù, đa số người tham gia giao thông biết rõ nhưng vẫn vi phạm.

Bộ Công an nhận định thực tế nhiều người có cơ hội là vi phạm giao thông, từ vượt đèn đỏ đến đi lấn làn. Tuy nhiên, đáng lo hơn khi người dân hiện nay lại ít lên án hành vi vi phạm giao thông mà chỉ trông chờ vào việc công an xử phạt. Nói cách khác, ý thức cá nhân đang trở thành điểm nhấn quan trọng mà ngành chức năng phải quan tâm khi muốn kéo giảm tỉ lệ tai nạn giao thông.

Do vậy, Chính phủ cùng ngành chức năng đã kêu gọi cả xã hội cùng nhau vào cuộc, người dân phải đồng lòng phê phán hành vi vi phạm luật giao thông để góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, trật tự hơn. Mỗi cá nhân cần tự ý thức tuân thủ phát luật về giao thông, làm tấm gương cho thế hệ trẻ, tạo ra sức lan toả trong cộng đồng.

Mặt khác, vấn đề an toàn giao thông cần được xây dựng bài bản hơn thậm chí trở thành một môn học để đưa vào nhà trường, trực tiếp giúp học sinh tiếp cận, hình thành ý thức tuân thủ luật giao thông từ sớm. Giải pháp này được chuyên gia đánh giá mang tính khoa học và tầm nhìn chiến lược. Trên thực tế, nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hà Lan, Hoa Kỳ chú trọng giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em nhằm xây dựng ý thức ngay từ nhỏ.

Cần lưu ý thêm, giáo dục ý thức giao thông không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ của nhà trường, mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình. Chính bản thân ông bà, cha mẹ phải làm gương để con cháu noi theo.

Mọi người cần hiểu rằng tuân thủ quy định về giao thông sẽ cho thấy một công dân gương mẫu, có trách nhiệm với chính bản thân cũng như gia đình và xã hội. Nếu mỗi người đều chủ động chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, dần dần tạo ra hiệu ứng lan toả giúp nhiều người có ý thức thì tình trạng giao thông có thể thay đổi tích cực.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giao thông trước sức ép gia tăng dân số cũng như tình hình đô thị hoá hiện nay, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn cả nước. Trên hết, vấn đề ý thức tham gia giao thông chính là điểm mấu chốt quan trọng cần tháo gỡ, nhằm kéo giảm tỉ lệ tai nạn giao thông và cả vấn đề ùn tắc giao thông.

Minh Phước

Bình luận

Đọc Báo