Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Hiện thực hay đồn thổi?

(VOH) - Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức yêu cầu mở cuộc điều tra nhắm vào các hoạt động thương mại của Trung Quốc- được cho là ảnh hưởng tới quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Đây là động thái mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump nhằm thực hiện một trong những cam kết tranh cử lớn nhất của mình, là “đánh bại” Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thực sự xảy ra hay không? Ai sẽ chịu thiệt? Đây còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Giới quan sát cho rằng dường như đang có nhiều yếu tố chính trị ẩn sau động thái của chính quyền Mỹ.

Sóng gió mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung nổi lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý mở một cuộc điều tra về hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc có làm hại cho các doanh nghiệp Mỹ hay không. Trước đó, đã có nhiều thông tin cho rằng, việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ có thể gây thiệt hại cho Mỹ đến 600 tỷ đô la.

Tổng thống Donald Trump cho rằng sắc lệnh điều tra về hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung quốc là một "bước tiến lớn"; đồng thời chỉ đạo đại diện Thương mại Mỹ Rô-bớt Lai-thai-zơ (Robert Lighthizer) trực tiếp thực thi nhiệm vụ này. Theo đó, ông Rô-bớt Lai-thai-zơ sẽ có toàn quyền cân nhắc mọi lựa chọn, với các biện pháp trả đũa Trung Quốc nếu cần thiết. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: việc bảo vệ người lao động Mỹ là nghĩa vụ và bổn phận của ông. Bởi vấn đề tác quyền, thương hiệu bí mật thương mại và các tài sản trí tuệ khác, điều có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Trên thực tế, động thái khởi động điều tra Trung Quốc của chính quyền Donald Trump chẳng khác nào màn dạo đầu cho một cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung trong tương lai.

Mặc dù sau quyết định của Tổng thống Donald Trump, giới chức Mỹ sẽ có 1 năm để cân nhắc liệu có nên tiến hành điều tra chính thức các hoạt động thương mại của Trung Quốc hay không, song ngay lập tức, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối sắc lệnh của chính quyền Mỹ. Trong một tuyên bố hôm thứ 3, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định “sẽ có động thái bảo vệ lợi ích của mình nếu Mỹ làm tổn hại quan hệ thương mại song phương bằng một cuộc điều tra như vậy”.

Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Dĩ nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ khó có thể hài lòng với con số thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ lên tới 347 tỷ đô la vào năm ngoái. Nhưng từ trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã nhiều lần cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn “không đàng hoàng”, đe dọa lợi ích của các công ty và việc làm của Mỹ. Đó là lý do thứ nhất khiến Tổng thống Mỹ tính đến một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Trung Quốc.

Một lý do nữa khiến Mỹ “sốt sắng” đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc là yếu tố chính trị. Những căng thẳng xung quanh việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo-tên lửa liên lục địa thời gian gần đây, đặc biệt là tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ tấn công đảo Guam (Mỹ) bằng tên lửa liên lục địa vào trung tuần tháng 8 khiến chính quyền Mỹ “đứng ngồi không yên”. Sức ép từ dư luận và uy tín bị tổn hại do sự bất lực trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, đã buộc Tổng thống Donald Trump phải tính toán tới một chiến lược khác. Tờ Minh báo (Hong Kong) cho rằng việc Mỹ “hù dọa” phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chính là một động thái gây sức ép để Trung Quốc tăng cường kiềm chế Triều Tiên. Trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, Tổng thống Donald Trump đã từng bày tỏ thái độ không hài lòng với sự hợp tác của phía Trung Quốc nhằm gây sức ép với Triều Tiên dừng các hành động bắn thử tên lửa. Trung Quốc bị cho rằng đã “bỏ ngoài tai” những lời kêu gọi của Mỹ phải hành động mạnh tay hơn với Triều Tiên để ngăn chặn kịch bản tấn công của chính quyền Bình Nhưỡng. Vì thế, thời điểm và động cơ của sắc lệnh điều tra đối với doanh nghiệp Trung Quốc lần này khiến dư luận cho rằng Mỹ đang chủ động “đặt điều kiện” với Trung Quốc, chứ không để Trung Quốc “chủ động dẫn dắt cuộc chơi” như họ vẫn thường làm.

Câu hỏi đặt ra là nếu Mỹ tiến hành điều tra doanh nghiệp Trung Quốc, xa hơn là nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra thì ai sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn?

Giới phân tích nhận định việc điều tra doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không dẫn tới một cuộc đối đầu ngay lập tức với Bắc Kinh. Theo quy định, ông Lai-thai-zơ cần phải có kết quả sơ bộ về các hoạt động kinh doanh mờ ám của Bắc Kinh trước khi mở cuộc điều tra chính thức. Quá trình này có thể kéo dài đến 1 năm. Tuy nhiên, Trung Quốc lớn tiếng cho rằng sẽ không ai chiến thắng nếu chiến tranh thương mại Mỹ- Trung xảy ra. Thậm chí, Mỹ còn có khả năng thiệt thòi nhiều hơn nếu đối đầu với Trung Quốc. Ngoài ra, nếu Mỹ ngang nhiên phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, điều này không có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Vì thế, Mỹ sẽ phải tính toán cẩn trọng để nền kinh tế của mình không bị ảnh hưởng, do Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Còn đối với Trung Quốc, nước này cũng chẳng muốn “mất cả chì lẫn chài” trong quan hệ thương mại với Mỹ vì thế đã ra sức cảnh báo về những hệ lụy của một cuộc chiến thương mại đối với cả hai bên.

Những tuyên bố của cả Mỹ và Trung Quốc đưa ra trong thời điểm hiện nay cho thấy, dù lớn tiếng, nhưng cả hai bên đều đang phải cân nhắc cẩn trọng về những bước đi sắp tới. Những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào thái độ đàm phán và thỏa hiệp của Bắc Kinh và Washington, thậm chí không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế. Giới phân tích nhận định chắc chắn Mỹ-Trung khó có thể đẩy sự việc đi quá giới hạn, ít nhất là cho tới trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào cuối năm nay./.

Nguyệt Minh

VOH

Bình luận

Đọc Báo