Điểm chuẩn tăng – chất lượng đầu vào có tăng?

(VOH) - Từ kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017, như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh, điểm chuẩn của các trường tăng đột biến, có trường tăng đến 6 điểm so với năm ngoái, có trường điểm chuẩn gần chạm trần 29, 30 điểm. Vậy, điểm chuẩn cao có làm cho chất lượng đầu vào của thí sinh năm nay tăng theo hay không?

Các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM năm nay có điểm chuẩn khá cao. Theo thông tin mà trường Đại học Kinh tế - Luật đã công bố, điểm trung bình trúng tuyển vào trường là 25,72 điểm. Trong đó, chương trình có điểm trúng tuyển cao nhất là Kinh tế đối ngoại với 27,25 điểm cũng là điểm trúng tuyển cao nhất khối Kinh tế, khối Kinh doanh quản lý là Kinh doanh quốc tế với 27 điểm và khối Luật là Luật thương mại quốc tế với 26 điểm.

Tương tự, tại Trường Đại học Bách Khoa, điểm trúng tuyển cao nhất là 28 điểm cho nhóm ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, tăng 2,5 điểm so với năm 2016. Trường Đại học Quốc tế cũng có điểm chuẩn cao nhất là ngành Quản trị kinh doanh và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là 26 điểm.

Ảnh minh họa: TTO 

Trong khi đó, ở phân khúc trường tốp giữa, điểm chuẩn cũng tăng không kém. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có nhiều ngành tăng điểm chuẩn đột biến đến 6 điểm. Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Kinh Tế - Tài chính TPHCM cũng đều có mặt bằng điểm chuẩn tăng cao, từ 0,5 – 5,5 điểm so với năm 2016.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Mở TPHCM, do mặt bằng điểm thi THPT Quốc gia của thí sinh cao hơn năm trước, do đó điểm trúng tuyển sẽ nhỉnh hơn, vì chỉ tiêu của các trường không tăng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, điểm chuẩn của các trường đa số đều tăng cũng là điều dễ hiểu bởi vì nó phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề thi, và không thể dùng nó để phản ánh chất lượng đầu vào của thí sinh.

“Mức độ đề phải tương đối dễ để đa phần học sinh THPT đều có thể đậu tốt nghiệp được. Nhưng nó lại gây khó khăn cho các trường xét tuyển đại học, ở chỗ dãy điểm cao các em trùng nhau rất nhiều. Rất nhiều trường phải đưa ra tiêu chí phụ cũng như mức độ ưu tiên các nguyện vọng khi xét cho các em có cùng một mức điểm. Điều đó không ảnh hưởng gì đến chất lượng đầu vào, bởi vì theo nguyên tắc nước lên thì thuyền lên. Thực chất, điểm thi năm nay 25 điểm chỉ ngang bằng 23 điểm năm ngoái” - Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng giải thích. 

Nếu như năm ngoái, sau khi công bố điểm chuẩn, các trường, nhất là các trường tốp dưới hay trường ngoài công lập đứng ngồi không yên vì lo ngại tỷ lệ ảo của thí sinh sau khi nhập học. Thì trong năm nay, vấn đề này đã được giải quyết rốt ráo trước đó, bằng việc chạy phần mềm xét tuyển, lọc ảo theo nhóm trường đại học, cụ thể là nhóm xét tuyển phía Bắc 56 trường và nhóm xét tuyển phía Nam với hơn 80 trường,do Đại học Quốc Gia TPHCM chủ trì. Đây cũng là một điểm mới đáng ghi nhận của Bộ GD vả ĐT trong mùa tuyển sinh năm nay.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nông Lâm phân tích: “Đối với quy chế năm nay, việc ảo của thí sinh rất thấp. Chỉ có một số trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng có kế hoạch khác như: đi du học, thay đổi giữa chừng nên họ không tham gia nhập học vào ngành mà các em đã đăng ký. Còn các em đã đăng ký trong hệ thống, nếu không có cơ hội trúng tuyển nguyện vọng này thì cũng có cơ hội trúng tuyển nguyện vọng tiếp theo sau đó. ”

Đơn cử, tại trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM, khi phần mềm offline của trường chạy kết quả trúng tuyển, tổng cộng có gần 10.000 thí sinh trúng tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường chỉ khoảng 5.000. Thế nhưng, khi tham gia chạy phần mềm lọc ảo trên nhóm chung các trường đại học phía Nam, phần mềm sẽ tự động lọc ra các thí sinh đã trúng tuyển ở các trường khác với nguyện vọng cao hơn. Kết quả sau khi lọc ảo chung chỉ còn 5.000, con số vừa đúng với chỉ tiêu của trường. Việc này đã tạo ra hiệu quả cho việc chống ảo ở các trường.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm TPHCM đánh giá: “Về mặt phần mềm, Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ các trường đã loại bỏ được ảo cho các trường khi có sự phối hợp với nhau. Hiện tại, với danh sách này, các thí sinh chỉ trúng tuyển vào một ngành của một trường duy nhất, không có tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều nơi. Bởi vì qua các lần lọc ảo khác nhau, danh sách dường như không có sự thay đổi điều chỉnh nhiều, đúng như dự đoán và phân tích của các trường dựa trên dữ liệu đó. Thật sự tôi đánh giá rất cao phần mềm lọc ảo của Bộ năm nay, Nó đã giải toả được lo lắng của các trường đỡ phải tính toán như năm ngoái.”

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD và ĐT. Thí sinh sẽ làm thủ tục nhập học đến hết ngày 7/8. Cuối ngày 12/8 các trường cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã nhập học về Bộ GD và ĐT. Nếu trường nào không đủ chỉ tiêu đợt 1 sẽ xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 13/8 và các trường được chủ động đưa ra thời hạn xét tuyển.

VOH

Bình luận

Đọc Báo