Thời sự 05g30 - 22/07/2017

(VOH) –Dọc chiều dài đất nước, đặc biệt là ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… đâu đâu cũng có những dấu tích còn sót lại của một thời đạn lửa. Tới đây, Tổng cục Du lịch có kế hoạch xây dựng thành tour du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” để liên kết các di tích thành sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm giá trị lịch sử để giới thiệu, thu hút du khách trong và ngoài nước. Phóng viên Hữu Nghị (VOH) phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

VOH: Thưa ông, ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung cụ thể của tour du lịch này và đối tượng du khách hướng tới?

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Cách đây 14 năm, chúng tôi có ý tưởng xây dựng Đề án du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, dựa trên đề tài khoa học cấp Bộ của Tổng cục Du lịch. Đến năm 2005 đã tổ chức hội thảo để chọn cái tên của nó là “Du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”. Tại hội thảo này, các chuyên gia góp ý, nghiên cứu hoàn thiện về mặt lý luận, đồng thời xây dựng các chương trình du lịch gắn liền với khai thác giá trị chiến tranh cách mạng tại Quảng Trị và các tỉnh miền Trung, để phục vụ cho phát triển du lịch. Qua nghiên cứu và thực tế tìm hiểu, chúng ta thấy rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc có lẽ là những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc ta. Chiến tranh đi qua cũng đã để lại trên đất nước Việt Nam một hệ thống các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng hết sức dày đặt và chúng ta cần phải phát huy, giới thiệu nó cho công chúng hôm nay.

VOH: Từ trước đến nay, việc khai thác giá trị các di tích lịch sử thành những điểm đến du lịch đã được nhiều công ty lữ hành thực hiện như tour du lịch bom mìn ở Quảng Trị, hay tour du lịch vì hòa bình, làm như thế nào để tour du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” không đi vào lối mòn thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Việc khai thác các giá trị di tích lịch sử này để phục vụ phát triển du lịch là nhiệm vụ chính. Nhóm nghiên cứu đề tài cũng như những người làm du lịch muốn đi sâu khai thác một khía cạnh khác. Đó là việc đi du lịch nhưng phải gắn liền với giáo dục truyền thống cách mạng, tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, trong loại du lịch này cũng có liên quan đến yếu tố hoài niệm, tâm linh. Trong đó, xác định rõ, sản phẩm du lịch này gồm có các yếu tố: đó là đi thăm chiến trường xưa; tri ân các liệt sĩ - những người đã hi sinh, cống hiến xướng máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam, không chỉ riêng thế hệ trẻ, mà cho tất cả thế hệ Việt Nam - những người Việt Nam đang ở trong và ngoài nước, cả du khách nước ngoài.

 

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Hình: Vietnamtourism

VOH: Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” sẽ chọn những điểm đến nào để giới thiệu cho du khách trong hệ thống các di tích lịch sử đồ sộ ở Bắc miền Trung?

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Nhóm nghiên cứu chúng tôi đã xây dựng một chương trình đặt tên là “Con đường du lịch hoài niệm Bắc Trung bộ”. Điểm khởi đầu của Con Đường du lịch này là ở Thanh Hóa với cầu Hàm Rồng. Nơi đây đã ghi lại những chiến tích của những người dân quân, những chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ cầu Hàm Rồng. Tiếp theo là ở Nghệ An, với Truông Bồn, rồi quê hương của Bác… Đi vào Hà Tĩnh, chúng ta sẽ ghé qua Ngã ba Đồng Lộc - nơi mà 10 cô gái thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi trẻ của mình. Vào tới Quảng Bình sẽ viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp; hang Tám cô, đường 20 quyết thắng. Đặc biệt, ở Quảng Trị có một hệ thống các di tích lịch sử cách mạng dày đặc ở địa phương này. Trong đó, nổi bật là đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Cồn Tiên - Dốc Miếu; Khe Sanh, mộ nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị…

Theo ý tưởng của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời và một số các tướng lĩnh, các nhà ngoại giao, các nhà văn hóa và những người làm du lịch đã cùng chung tay vận động, quyên góp để xây dựng một tượng đài hoài niệm. Tượng đài này để tri ân, hoài niệm và tôn vinh những anh hùng liệt sĩ, những người đã chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc và các anh đã mãi mãi ra đi, nằm trong lòng đất mẹ. Và biểu tượng của du lịch hoài niệm, đó là một tượng đài - phía dưới có một làn sóng thu ba, biểu tượng cho sự kiện 81 Ngày Đêm chiến đấu, bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Tiếp đó là những dòng lưu bút của chiến sĩ đã hi sinh đi vào trong lòng đất mẹ. Mong muốn của mọi người, rằng đây sẽ là một điểm nhấn của du lịch hoài niệm.

Hiện, tượng đài đã được xây dựng trên Quảng trường Giải phóng. Mọi người mong muốn sau này sẽ đặt tên cho nơi đây là Quảng trường Hòa bình.

VOH: Vâng xin cảm ơn ông!

VOH

Bình luận

Đọc Báo