Bữa cơm gia đình nơi gắn kết yêu thương

(VOH) - Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, bữa cơm gia đình đang ngày càng bị xem nhẹ, khiến những mối quan hệ vốn khắng khít, bền chặt trong mỗi gia đình đã ít nhiều bị lỏng lẻo, tình cảm giữa các thành viên ngày càng xa. 

Chính vì vậy, Ngày gia đình Việt Nam năm nay tiếp tục được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm kêu gọi, nhắc nhở, vận động mọi người trân trọng những phút giây sum họp bên mâm cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm.

Trở về mái ấm gia đình, cùng quây quần bên nhau dùng bữa cơm sau một ngày làm việc vất vả là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là sợi dây gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình và cũng là nơi truyền - nhận kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống của mọi thành viên.

Vì cơm áo gạo tiền, nên việc trao đổi, chuyện trò giữa vợ chồng, con cái trong bữa ăn dần ít đi. Rõ ràng, gia đình hiện đại đang đối mặt với nhiều thách thức, nếu không được điều chỉnh cho phù hợp với những biến đổi phức tạp của cuộc sống thì có nguy cơ tan vỡ. 

PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, phân tích: mọi người lăn xả vào cuộc mưu sinh, cho nên có những lúc thì ăn cơm bụi, người đi nhà hàng, người đi ăn cơm văn phòng, người thì đi bạn bè. Còn con cái ở nhà thì giao cho người giúp việc hoặc là gửi ở bán trú. 

“Bữa cơm gia đình bây giờ không được ấm áp, cái bếp gia đình ngày càng lạnh lẽo. Cho nên quan hệ giữa các thành viên gia đình càng nhạt nhẽo và lỏng lẻo. Chính vì vậy cơ cấu gia đình dần dần nó không được ấm áp như lúc trước và chức năng nhiệm vụ của gia đình nó cũng thay đổi” – ông Biên nhận định.

Còn PGS.TS Nguyễn Hùng Khu, Trưởng phòng, Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp Cục Công tác phía Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, bữa cơm chung của gia đình, tạo điều kiện để các thành viên tiếp xúc với nhau và đặc biệt là những tấm gương của người bố, người mẹ sống như thế nào đó để cho đứa trẻ nó học tập và nối tiếp truyền thống của gia đình, sau này nhân cách của nó sẽ tốt hơn.

Vì vậy, để các thành viên gắn kết với nhau trong gia đình phải tạo cái môi trường tuận lợi để tiếp xúc thường xuyên với nhau. Những lúc có thể là phải gặp nhau, đặc biệt là tập trung vào những bữa ăn cơm chung, những buổi đi du lịch, đi xem phim, ca nhạc để tạo môi trường gắn kết với nhau.

Thực tế, ở đô thị các thành viên trong gia đình dường như ít được gặp nhau hơn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự trao đổi, gắn bó tình cảm vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu... Trước đây cuộc sống khó khăn nhưng tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình vẫn rất hòa thuận, hạnh phúc, nay mặt trái của đời sống kinh tế thị trường đã làm cho gia đình bị thay đổi. 

Theo Thạc sỹ Bùi Thanh Huyền, chuyên viên tâm lý thì việc trụ cột gia đình vắng mặt trong bữa cơm đồng nghĩa với sự nguội lạnh trong các sinh hoạt khác của gia đình.

Do đó, các gia đình nên thu xếp để có ít nhất một bữa tối ăn cùng nhau - quây quần bên nhau và tình cảm đó sẽ là sự gắn kết tình cảm yêu thương giữa các thành viên và được bộc lộ qua những thái độ bằng sự quan tâm của mọi người trong bữa ăn. 

Thực tế, những gia đình có điều kiện họ biến hết những bữa cơm thành những bữa đi nhà hàng, những món ăn rất ngon, nhưng nó sẽ không có không khí ấm cúng như bữa ăn trong gia đình.

Có thể thấy rằng, những cặp vợ chồng không quý trọng bữa cơm gia đình có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong giáo dục con cái cũng như trong việc bảo vệ tổ ấm của mình. 

Từ lâu, bữa cơm gia đình đã trở thành nét sinh hoạt bình dị, thấm đượm tình yêu thương và là nơi gắn kết mọi thành viên trong gia đình với nhau. Dù có bận rộn với công việc xã hội hay phải tất bật mưu sinh… thì bữa cơm gia đình cần được duy trì để “cái tổ” của mỗi người luôn được giữ “ấm”! Chính vì vậy, duy trì những bữa cơm gia đình là rất cần thiết để nhà nhà giữ được sự ấm êm, hạnh phúc. 

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo