Nông dân chia sẻ bí kíp giữ hạnh phúc gia đình

(VOH) - Dù tối mặt tối mũi với đồng ruộng nhưng những người nông dân vẫn có những bí kíp riêng để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Để xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, luôn tràn ngập tình yêu thương, rất cần sự nỗ lực, đồng lòng của các thành viên trong gia đình, cùng chung tay chia sẻ khó khăn, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Dù cuộc sống bận rộn nhưng nhiều người vẫn dành thời gian vun đắp hạnh phúc gia đình, nuôi nấng con cái nên người.

Ông Phan Văn Tuấn, nông dân ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, hiện đang phát triển mô hình trồng cây kiểng, bon sai, kiếm thu nhập để chăm lo cho gia đình. Công việc trồng cây kiểng đòi hỏi ông mất khá nhiều thời gian chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng cho cây để có được những sản phẩm đẹp mắt, có giá trị cao.

Dù bận rộn với việc chăm sóc cây kiểng, thường xuyên tham gia Hội Sinh vật cảnh huyện Hóc Môn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Hiệp, tổ hợp tác hoa kiểng Lộc Tiến nhưng ông vẫn dành thời gian sum họp gia đình bên mâm cơm để cùng trao đổi, trò chuyện, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống với con cái.

Hai người con của ông hiện nay đều có công việc ổn định. Con gái lớn đã lập gia đình, vợ chồng ông có niềm vui tuổi già là chăm sóc, vui đùa cùng cháu ngoại. Để gia đình luôn hạnh phúc, ông Tuấn cho rằng vợ chồng cần phải giữ hòa khí với nhau.

“Bí kíp chỉ là đừng ai lớn tiếng với ai. Ví dụ bây giờ chồng nói thì vợ nghe, vợ nói thì chồng nghe, người nhịn một chút, không lớn tiếng trong gia đình thì mới hạnh phúc. Còn ai cũng lớn tiếng thì thế nào cũng bực mình, cãi vã, mất hạnh phúc. Có gia đình rồi thì cũng phải giữ nề nếp, không nhậu về la lối, đánh đập vợ con, mất hạnh phúc gia đình” – ông Tuấn chia sẻ.

Anh Trương Quốc Việt, ở ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, luôn cố gắng, cần mẫn lao động để phát triển kinh tế gia đình. Vất vả với nghề nuôi bò sữa, anh thường xuyên phải đi cắt cỏ cho bò ăn, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, vắt sữa bò rồi đi giao cho trạm thu mua.

Nhờ chịu khó chăm sóc nên đàn bò của anh có thể cho sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt, được công ty thu mua với giá cao, khoảng 14.000 đồng/kg. Với số lượng 10 con bò sữa, mỗi tuần anh có thể kiếm được hơn 3 triệu đồng, giúp cuộc sống ổn định, có điều kiện chăm lo cho gia đình, gồm bà ngoại, mẹ, vợ, em gái, và hai đứa con nhỏ.

Ngoài thời gian chăm sóc đàn bò, anh còn phụ giúp vợ đi giao hàng, cũng như làm công việc nhà, dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước, luôn quan tâm chăm sóc gia đình, không nhậu nhẹt, say xỉn nên gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc, vui vẻ. Anh Việt chia sẻ: “Nói chung, vợ chồng thấy việc nào làm được thì làm phụ, chứ đừng nạnh nhau, người này nói làm nhiều, người kia nói làm ít thành ra cãi vã. Nhà tôi thì việc chia nhau làm. Hạnh phúc gia đình quan trọng, có hạnh phúc mình mới yên tâm chăm lo sản xuất”.

Dù khá bận rộn với công việc làm ruộng, nuôi cá nhưng chị Phạm Thị Kim Thanh, ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh vẫn cố gắng dành thời gian chăm sóc chu đáo cho gia đình. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia công tác bên Hội Phụ nữ, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, làm nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất.

Dù công việc đòi hỏi phải họp hành thường xuyên, nhưng chị luôn biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, quán xuyến tốt việc nội trợ, chuẩn bị cơm nước sẵn sàng cho chồng yên tâm làm việc. Đồng thời, chị còn quan tâm, nuôi dạy, khuyên bảo các con chăm chỉ học hành. Do đó, hai người con của chị đều cố gắng học tốt, biết yêu thương, nghe lời ba mẹ.

Chị Thanh cho biết: “Hồi xưa, con còn nhỏ, chồng đi ăn nhậu thường, chứ giờ một tháng, có khi 2, 3 tháng ông xã mới nhậu một lần. Nói chung niềm vui của mình là giờ thấy con cái nghe lời mình, biết suy nghĩ, thương mẹ, thương cha, vui nhà cửa là vui lắm rồi, mình thấy là yên tâm rồi, chồng cũng lo đàng hoàng, nhà cửa nói chung là yên ấm”.      

Nếu không có sự cố gắng, đồng lòng của các thành viên, thì các gia đình khó có thể vươn lên vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống, để giữ cho gia đình hạnh phúc, trong ấm ngoài êm. Vì vậy, các thành viên trong gia đình phải biết thông cảm với nhau, cùng chia sẻ, gánh vác khó khăn, vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ trong gia đình vừa chịu khó lao động, nâng cao thu nhập cũng như làm tốt công việc ngoài xã hội. Từ đó, gia đình sẽ ngày càng no ấm, hạnh phúc và bền vững, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

VOH

Bình luận

Đọc Báo