TPHCM – 70 năm lan tỏa nghĩa tình

(VOH) - Những năm qua Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Từ những chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể đã giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng có đời sống ổn định và nâng cao...

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, thành phố có gần 5.200 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó 4.900 mẹ đã mất; hơn 47.800 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng/tháng.

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách chung, từ năm 2007 đến 2016, thành phố đã vận động xây dựng Quỹ "đền ơn đáp nghĩa" với số tiền 122 tỷ đồng để tập trung chăm lo các đối tượng chính sách của TP.

Riêng về nhà ở, ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng phòng Chính sách có công - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, TPHCM có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo không còn nhà tình nghĩa trên địa bàn bị xuống cấp, hư hỏng. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận hồ sơ của các quận huyện gửi đến về nhà ở cho diện người có công để kịp thời đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho gia đình chính sách. Đồng thời tập trung giải quyết những tồn đọng theo kế hoạch rà soát của Bộ, đảm bảo không còn hồ sơ tồn đọng từ đây đến cuối năm 2017.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu 100% phường, xã, thị trấn được công nhận hoàn thành mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng chính sách có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.

Nói về hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP cho biết, thành phố luôn phát động các thế hệ không ngừng phát huy tinh thần “ăn trái nhớ người trồng cây”. Các ngày Tết cổ truyền của dân tộc, Ngày Thương binh liệt sĩ, ngoài việc chăm lo cho các đối tượng chính sách theo quy định chung thành phố đã tổ chức vận động các ban, ngành, đoàn thể doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân chăm lo, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý của thế hệ sau đối với cha, anh đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

“Ngoài chăm sóc cho người có công trên địa bàn TPHCM thì Thành ủy, UBND, Hội đồng nhân dân vẫn có trách nhiệm đối với người có công trên cả nước vì khi giải phóng thì rất nhiều những người con của các tỉnh thành khác tham gia hoạt động, chiến đấu tại TPHCM. Đấy là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền TP cũng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa và học tập của con em của các tỉnh thành” – bà Nhung cho hay.

Mỗi năm, TPHCM đều dành kinh phí chăm lo cho các đối tượng chính sách có công tại các tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu...

Bà Trịnh Thị Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết thêm: “Hàng năm TPHCM đều xuống tặng quà. Sự chăm lo này giúp anh em phấn khởi đồng thời động viên khích lệ anh em chiến thắng bệnh tật của mình, tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng, nhà nước cũng như các ban ngành đoàn thể”.

Bằng những việc làm ý nghĩa đó, các đối tượng chính sách, người có công thêm ấm lòng, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Thành phố thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đến nay đã hoàn thành tổng hợp việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tập trung rà soát, kiện toàn hồ sơ, tài liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ở các địa phương, đơn vị. Hoàn thành cơ bản việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập ở các cấp. Tuy nhiên, số hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm được vẫn còn nhiều, thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít dần.

Ngoài việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, TP cũng đặc biệt chăm lo cho những người bị địch bắt, tù đày, giam cầm tại các nhà tù. Bà Hoàng Thị Khánh – Trưởng Ban liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh TPHCM đánh giá: điều đáng mừng là những năm qua, TP không chỉ giải quyết các chế độ chính sách cho người bị địch bắt tù đày mà còn chăm lo cho những cựu tù còn khó khăn ở các tỉnh thành khác.

Bằng những việc làm nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã thể hiện tình cảm, sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng. Hoạt động này không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn, mà còn lan tỏa nghĩa tình, để lại ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân các địa phương khác.

VOH

Bình luận

Đọc Báo