TPHCM suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi thấp nhất cả nước

(VOH) - Sáng 12/8, Ủy ban Nhân dân TP đã tổ chức hội nghị triển khai hoạt động chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2017 – 2020.

Nhìn lại kết quả thực hiện chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, bác sĩ Đỗ Thị  Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP cho biết một số thành tựu nổi bật. Với đặc thù khoảng 30% dân nhập cư, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh tại TPHCM. Trong quá trình đó, thành phố đã thể hiện tầm vóc của một thành phố lớn đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân. Nhiều mục tiêu đã vượt chỉ tiêu đề ra như tuổi thọ, tình trạng dinh dưỡng các tầng lớp dân cư từ trẻ em, phụ nữ, người trưởng thành đều có nhiều cải thiện.Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu máu dinh dưỡng, bướu cổ, thiếu vitamin A đã giảm liên tục và thấp nhất cả nước 

Sau 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2015, tại TPHCM, chiều cao trung bình đã tăng từ 0,6 -1,4 cm ở các nhóm từ 6 đến15 tuổi với nam và từ 0,4 đến 3,9 cm ở nhóm 6 đến17 tuổi với nữ. Hiện nay, chiều cao trung bình của trẻ em thành phố 17 tuổi là 1,68 m ở nam và gần 1,6 m ở nữ. Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm ở mức thấp nhất trong cả nước, tỷ lệ thiếu năng lượng kéo dài ở phụ nữ sinh đẻ chỉ còn 9,7% và suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới này, bác sĩ Ngọc Diệp cho biết việc cần làm là phải nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực cho người dân: "Việc chúng ta cần ở đây là nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng nhu cầu cho người dân tại TPHCM cũng như các tỉnh phía Nam. Vì một trong những đặc thù của đô thị lớn cũng như đặc thù của đất nước vừa chuyển sang thu nhập trung bình đó là sự gia tăng béo phì, bệnh mãn tính không lây, gia tăng tuổi thọ cũng như nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng sẽ cao hơn so với bình thường".

Là bác sĩ tham gia khám chữa bệnh tại cộng đồng, TS.BS Lê Thị Hoàng Liễu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện huyện Bình Chánh chia sẻ: "Trong tiếp xúc bệnh nhân, tiếp xúc cộng đồng thì vấn đề dinh dưỡng trong giai đoạn tới chúng ta cần chú ý đến chất lượng bữa ăn trong cộng đồng, nếu người dân không có kiến thức, không hiểu biết về dinh dưỡng thì chất lượng bữa ăn đó sẽ thiếu các chất đảm bảo hoạt động cơ thể và thứ hai nếu quá thừa dinh dưỡng thì ảnh hưởng đến vấn đề các bệnh mãn tính không lây".

Trong các vấn đề dinh dưỡng giai đoạn tới, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – lưu ý: "Hiện nay tại TPHCM có xu hướng tăng các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng và vận động.Trước tình hình đó, chúng ta đề ra mục tiêu về các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Mục tiêu sắp tới, tôi cho rằng khi đạt được thì chúng ta sẽ giảm chi phí điều trị các bệnh mãn tính không lây thông qua ngăn ngừa và phát hiện sớm".

Đánh giá cao sự nỗ lực thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng của ngành y tế thành phố, tuy nhiên, trong số các vấn đề cần lưu ý, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu lo ngại: "Vấn đề suy dinh dưỡng bệnh viện chiếm tỷ lệ từ 20 đến 40% đây là mức khá cao so với nhiều tỉnh, thành khác do thành phố tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối, nguồn nhân lực về dinh dưỡng tuy được chúng ta tập trung đầu tư phát triển nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng trong đáp ứng nhu cầu hiện nay thành phố cần. Giai đoạn 2017 – 2020 tôi đề nghị ngành y tế cần chủ động phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân TP để đầu tư cho lĩnh vực dinh dưỡng".

Mục tiêu chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017 – 2020, TPHCM sẽ thực hiện 8 chỉ tiêu về dinh dưỡng cụ thể là khống chế và duy trì tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 12%, khống chế tỷ lệ học sinh béo phì ở học sinh dưới 25%, kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì ở người trưởng thành dưới 35%, kéo giảm đái tháo đường ở người trưởng thành xuống  dưới 12%, duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi trẻ dưới 5 tuổi là dưới 5%, giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 15% và phấn đấu tỷ lệ hộ dân dùng muối, gia vị có bổ sung I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt hơn 90%.

Nhất Hương

Bình luận

Đọc Báo