Xử lý mua bán công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội - Thời sự 17g00 25/11/2019

(VOH) - Tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng một số đối tượng rao bán công khai các công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui, dao bấm, súng hơi, mặt hàng nhạy cảm, mặt hàng có điều kiện... trên mạng xã hội hoặc tại một số trang thương mại điện tử, tiềm ẩn mối nguy gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, Phóng viên Ngọc Phượng (VOH) có phỏng vấn bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. 

* VOH: Ở góc độ quản lý nhà nước, bà có nhận định như thế nào trước thực trạng dễ dàng mua hoặc bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội hiện nay?

Bà Lê Thị Hà: Tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đã hình thành nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn, trả thù, chống lại người thi hành công vụ,... Những sự việc này có nguy cơ trở thành tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuân thủ kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, đe dọa an toàn tính mạng người dân và trật tự xã hội.

Do vậy cần có sự chung tay của toàn dân, toàn xã hội tố giác đối tượng vi phạm và cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan như Công an, Quân đội, Quản lý thị trường, v.v… để có thể tiếp cận, nắm bắt thông tin cũng như hành vi vi phạm nhanh, kịp thời xử lý được các đối tượng vi phạm.

* VOH: Bà có thể cho biết những khó khăn thách thức gặp phải trong công tác quản lý, chế tài xử lý tình trạng trên?

Bà Lê Thị Hà: Thứ nhất, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi: Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…

Ngoài ra, nhiều đối tượng là người bán trên các sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của Sàn. Cụ thể, đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán (ví dụ sản phẩm NIKE) để tránh bị kiểm soát, người bán đăng bán sản phẩm tương tự N.I.K.E, N_IK_E, NI _KE, v.v...

Thứ hai, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài (trả tiền thông qua thẻ tín dụng) mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ (hosting) ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập các fanpage hoặc tài khoản cá nhân trên facebook để chạy quảng cáo hoặc lừa đảo hoặc bán hàng cấm. Các đối tượng cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.

Thứ ba, khó nhận biết được hàng như vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng. Nhiều đối tượng đưa thông tin là hình ảnh hàng hóa thông thường hoặc các hình ảnh như chiếc ô, chiếc đèn pin hoặc hàng hóa trá hình khác.. nhưng khi giao hàng có thể là công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí thô sơ. Hoặc thậm chí có đối tượng bán mặt hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm hoặc đưa một tên khác rất khó phát hiện, ví dụ bán  lá cây cần sa nhưng đối tượng rao bán Lá cây đu đủ, cỏ mỹ hoặc dùng thủ đoạn chia vũ khí, công cụ hỗ trợ thành nhiều bộ phận, gửi đi nhiều lần, sau đó người nhận sẽ lắp ráp thành vũ khí hoàn chỉnh. 

Ngoài những khó khăn nêu trên, có thể kể đến việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong thương mại điện tử như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng,...vẫn còn hạn chế; trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới; thiếu chế tài quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới v.v...

* VOH: Từ những khó khăn, vướng mắc mà bà vừa nêu, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đề xuất giải pháp nào để quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Bà Lê Thị Hà: Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới, Cục tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về TMĐT, bổ sung những quy định pháp luật quản lý TMĐT xuyên biên giới, tăng cường chế tài xử lý vi phạm. Cục cũng tăng cường rà soát, phân loại website/ứng dụng TMĐT thuộc nhóm mặc hàng kinh doanh từ đó đề xuất kiểm tra, xử lý. Đặc biệt,  nghiên cứu, xây dựng cơ chế phản ứng nhanh, công cụ khẩn cấp hoặc cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương với các bộ ngành có liên quan như: Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Cơ quan Cảnh sát điều tra các tỉnh thành phố, Cục Quản lý thị trường các địa phương,…để xử lý nhanh, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Dự kiến trong Quý IV/2019, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục chủ trì và mở rộng triển khai lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả, hàng cấm trong TMĐT”. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hoạt động này lan tỏa rộng rãi trong doanh nghiệp TMĐT, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch TMĐT điện tử và người tiêu dùng. Sự hợp tác của người dân và các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT sẽ góp phần tích cực ngăn chặn hiểm họa từ những "chợ vũ khí" bất hợp pháp trên mạng hiện nay.

VOH

Bình luận

Đọc Báo