Ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn năm 1945

(VOH) - Nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám thành công, phóng viên VOH phỏng vấn PGS-TS Hà Minh Hồng- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh về ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn năm 1945. 

Dù khởi nghĩa sau các thành phố lớn khác tại Hà Nội và Huế, nhưng Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn lại mang một ý nghĩa to lớn kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước thành công. Hơn 70 năm trôi qua, thắng lợi lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám với niềm tự hào của người dân Việt Nam đã thể hiện cao nhất niềm tin của nhân dân với Đảng, trở thành bài học sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

 Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ngày 25-8-1945. Ảnh: TƯ LIỆU

VOH: Dù muộn hơn các tỉnh phía Bắc, nhưng chỉ trong đêm 24 và sáng ngày 25/8/1945, lực lượng cách mạng Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã giành chính quyền thành công. Ông cho biết cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn có ý nghĩa thế nào đối với thắng lợi chung của cả nước ?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Trong không khí chung của sức mạnh dân tộc đang nổi dậy từ ngày 13 tháng 8 trở đi, cả dân tộc đã nổi dậy như thế, thì Sài Gòn từ ngày 25/8 một cuộc nổi dậy của toàn thành phố và từ thành phố lan ra cả Nam bộ từ ngày 25 đến 28 thôi, tất cả những ngày đó tất cả các địa phương đều nổi dậy để giành chính quyền và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn mang tính chất quyết định cho cả Nam bộ còn lại. Cho nên có thể nói trong tổng khởi nghĩa cả nước thì 3 thành phố mang tính chất quyết định là Hà Nội, Huế và Sài Gòn, thắng lợi ở Sài Gòn là thắng lợi sau cùng nhất so với các thành phố, nhưng thắng lợi này thể hiện rõ sự bắt nhịp phong trào của cả nước.

Bởi vì Sài Gòn, Nam bộ này đã đi trước trong cuộc kháng chiến trong thế kỷ 19, chính vì cái đi trước như vậy người ta vẫn nghĩ rằng là sức mạnh quật khởi ở đây có thể đến một thời điểm không bắt nhịp cùng cả nước, nhưng trong bão táp mùa thu đó thì sức mạnh của cách mạng, sự trổi dậy của cả dân tộc lôi cuốn tất cả cái này.

Sài Gòn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945 tạo ra một sức mạnh Phù Đổng, nói như Giáo sư Trần Văn Giàu là sức mạnh Phù Đổng, đã đem về cho Sài Gòn một sức mạnh lớn, tạo thành sức mạnh và góp gió vào mùa thu, chính từ đó tạo thành thắng lợi của cả nước, thắng lợi của cả dân tộc, trong đó Sài Gòn là một bộ phận không thể thiếu được tạo điều kiện để kết thúc cuộc nổi dậy mà 80 năm về trước Sài Gòn đã mở đầu thì lại là người khép lại quá trình đó để mở ra cho cả dân tộc đi vào cuộc kháng chiến về sau.

VOH: Trong thắng lợi của CMT8 ở Sài Gòn có thể kể đến lực lượng Thanh niên Tiền Phong, ông nói rõ hơn về vai trò của lực lượng TNTP trong khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn ?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Thanh niên Tiền Phong là một tổ chức quần chúng chính trị, thành lập vào ngày 1/6/1945, người cầu nối, đứng ra thành lập là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và khi Thanh niên Tiền Phong ra đời đã trở thành tổ chức có khả năng tập hợp rất đông đảo nhanh chóng tất cả các tầng lớp ngoài thanh niên, các tầng lớp khác cũng tham gia vào thanh niên Tiền Phong.

3 hoạt động quan trọng của Thanh niên Tiền Phong thời kỳ đó là huấn luyện chính trị, giác ngộ chính trị cho tất cả tầng lớp từ thành thị đến nông thôn để đứng lên nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, và đặc biệt Thanh niên Tiền Phong có những hoạt động xã hội như cứu đói, ngoài ra hoạt động canh gác, tổ chức tập hợp những buổi mít tinh rất lớn, khả năng tập hợp lôi cuốn các tầng lớp nhân dân rất lớn, có ý nghĩa như sức mạnh Phù Đổng.

Đó là vai trò của thanh niên trong thời kỳ tổng khởi nghĩa đó, nếu như không có vai trò này nói như ông Huỳnh Văn Tiểng, hoặc Giáo sư Trần Văn Giàu nếu không có lực lượng này thì sẽ trễ chuyến tàu lịch sử, nhưng ở đây không phải là may mắn mà trong thực tế nếu không có lực lượng này thì thanh niên vẫn tìm cách lôi cuốn vào dòng thác cách mạng để tập hợp lại có đội ngũ của mình và trở thành lực lượng xung kích trong quá trình để đưa Nam bộ vào cuộc Tổng khởi nghĩa của dân tộc.

VOH: Một tbài học quý giá từ thắng lợi của CMT8 chính là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, theo ông cần phải phát huy bài học này trong giai đoạn cách mạng hiện nay ra sao?

PGS-TS Hà Minh Hồng: Tôi nghĩ là thành công của Cách mạng tháng Tám mùa thu thì sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh quật khởi của dân tộc, thì có thể nói đến bây giờ bài học về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, bây giờ sức mạnh của đại đoàn kết của dân tộc có dân số gấp 4,5 lần so với Cách mạng tháng Tám ngày xưa, trong điều kiện nước ta không chỉ có tên trên bản đồ mà có vị thế trên cả thế giới và khu vực, chúng tôi nghĩ rằng sức mạnh của dân tộc giai đoạn hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập với thế giới thì những vấn đề về phát huy sức mạnh của dân tộc không đơn giản chỉ là hô hào là được, tuyên truyền là được mà phải đi vào từng mỗi con người, mỗi thế hệ, mỗi tập thể, mỗi cá nhân, phải tự nhận thấy được sức mạnh của dân tộc mà mỗi con người góp vào thì mới thành sức mạnh của dân tộc. Trong điều kiện hiện nay có điều kiện thuận lợi từ phát triển của đất nước, vị thế của đất nước trong thế giới và khu vực, tạo điều kiện để phát huy sức mạnh của dân tộc, giai đoạn hiện nay có nhiều điều kiện tạo ra nước phát triển nhanh, mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững, cho hòa bình của thế giới và khu vực, chúng ta không chỉ lấy sức mạnh của dân tộc ta, mà biết kết hợp sức mạnh của dân tộc ta với sức mạnh của cộng đồng khu vực, cả thế giới, đang đứng về chính nghĩa, tất cả tạo ra sức mạnh dân tộc.

Do vậy, trong giai đoạn hiện nay sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh hạt nhân phấn đấu mục tiêu của đất nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trở thành quốc gia có chỗ đứng vững mạnh, có sức mạnh lan tỏa góp phần vào hòa bình cộng đồng khu vực và thế giới và chúng ta tin là sẽ làm được như vậy.

VOH: Cám ơn ông!

Minh HIệp

Bình luận

Đọc Báo