Còn nhiều khó khăn trong giải quyết tệ nạn ma túy

(VOH) - Với nhiều giải pháp được thực hiện trong những năm qua, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, số người nghiện ma túy ở Việt Nam đã giảm 3.000 người.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa thực sự bền vững, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn chưa giảm nhiều; công tác quản lý cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Hiện cả nước còn hơn 210.000 người nghiện ma túy, trong đó, hơn 70% có độ tuổi dưới 35, là độ tuổi dân số vàng. Người nghiện ma túy tổng hợp có xu hướng tăng, là nguyên nhân gây bất ổn an ninh, an toàn xã hội.

Chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy đã được mở rộng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, nguồn kinh phí trong nước bị cắt giảm nhiều. 

Cảnh tiêm chích ma túy. Ảnh : tiengchuong

Tại TPHCM hiện có hơn 21.700 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và có xu hướng sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Trong đó, 75% người nghiện không có thu nhập, nếu có thì cũng không đủ tiền mua ma túy để sử dụng, dẫn đến khả năng gây án, chiếm đoạt tài sản rất cao. Điều này đã tạo áp lực rất lớn cho Công an TPHCM trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đại diện Công an TP giấu tên cho biết: "Hai loại tội phạm mà TP đang tập trung giải quyết là cướp giật có phương tiện và trộm cắp chiếm 65 đến 70%. Hầu như các đối tượng này đều chuyên nghiệp và thường là con nghiện. Họ sống bầy đàn trong các khách sạn. Có nam có nữ, sống lẫn lộn với nhau, rồi hút xì ke, ma túy đập đá".

Nhận định của ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: "Thứ nhất công tác tuyên truyền giải thích còn hạn chế. Việc đưa người nghiện bắt buộc vào trung tâm chưa nhận được sự đồng thuận, chấp hành nghiêm túc của bản thân người nghiện. Chính vì vậy luôn có thái độ bất hợp tác, không tuân thủ  nội quy, quy chế. Hiện nay chỉ đạo chính sách là như thế nhưng các địa phương cũng chưa làm được, việc phối hợp giữa các địa phương để tìm ra gốc gác của học viên cũng không tốt. Thứ hai nữa là con người, điều kiện kinh phí.., rất nhiều thứ bất cập mà chúng ta muốn nhưng chưa làm được".

Đặc biệt, các đối tượng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều và đáng ngại hơn là đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị. Theo nhận định của Bác sỹ Nguyễn Đăng Đức, hàng đá là một loại ma túy cực độc, tàn phá sức khỏe con người nghiêm trọng. Khi sử dụng, sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài. Khi hết ảo giác sẽ như người vô hồn, thân hình tàn tạ, sức khỏe giảm sút:

"Nó kích thích đến mức độ người mà tim mạch hơi yếu yếu nhảy nhót chơi bời đến mức độ chết tim luôn. Nó tác động lên hệ thần kinh, gây ra ảo giác làm người ta có cảm giác sảng khoái lâng lâng trong thời gian ngắn nhưng sau đó lại rất mệt mỏi và nguy hiểm là ảo giác, nhìn người ra con đười ươi rồi cầm dao chém".

Phương Dung 

Bình luận

Đọc Báo