Đừng đẩy cái khó về phía người dân

(VOH) - Thời gian gần đây, nhiều chủ xe ô-tô mua theo hình thức trả góp hết sức lo lắng khi cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt người điều khiển phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính.

Phía các ngân hàng thương mại - bên cho vay cũng gặp khó, bởi quy định này không được điều chỉnh, không ai dám vay tiền mua ô-tô, dù nhu cầu rất lớn và là quyền lợi chính đáng.

Theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu xe ô tô được chủ xe mua từ nguồn vay của các ngân hàng, đồng nghĩa với 1,3 triệu xe không có đăng ký bản chính. Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho rằng Luật Giao thông đường bộ 2008 bắt buộc mọi người lái xe đều phải mang theo giấy đăng ký xe.

Trong khi đó, hai nghị định về giao dịch bảo đảm cũng không đồng ý cho bên nhận thế chấp giữ đăng ký xe. Vậy nên hành vi lái xe với bản sao đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp bị xem là vi phạm, có thể bị xử phạt.

Phía các ngân hàng thì cho rằng, họ cần phải giữ bản chính đăng ký xe để được đảm bảo khả năng thu hồi nợ, và phòng tránh chủ xe tự ý thế chấp hay bán xe cho người khác. Ngân hàng viện dẫn Bộ Luật dân sự 2015 quy định quyền của bên nhận thế chấp được “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Trên thực tế, việc giữ giấy tờ như thế đã được ngân hàng và người vay thống nhất thực hiện từ lâu. Chỉ có khác là trước đây ngân hàng đương nhiên được quyền giữ, còn gần đây các ngân hàng có những thỏa thuận riêng - bằng xác nhận của khách hàng tự nguyện giao nộp giấy tờ cho ngân hàng.

Ngân hàng có lý, công an phạt cũng đúng, như vậy chẳng lẽ người dân sai khi vay tiền mua xe? Vướng mắc ở đây rõ ràng là do các quy định pháp luật chưa thống nhất, một phần chưa theo kịp với thực tiễn đời sống xã hội.

Giấy đăng ký xe cũng giống hầu hết các giấy tờ cá nhân khác, đều chỉ được cấp một bản chính. Theo Nghị định 23/2015 của Chính phủ, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại nghị định này “có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác". Quy định này cũng không loại trừ trường hợp giấy đăng ký ô tô, xe máy.

So với Luật Giao thông đường bộ cũ chỉ yêu cầu người lái xe phải mang theo giấy duy nhất là giấy phép lái xe, thì Luật Giao thông đường bộ 2008 buộc các tài xế phải mang đến bốn loại giấy, trong đó có giấy đăng ký xe.

Có thể hiểu, việc yêu cầu người lái xe mang theo 4 loại giấy tờ để phục vụ công tác quản lý, xác định nguồn gốc xe, nhất là khi có tai nạn giao thông hay các sự cố khác. Tuy nhiên, không quy định bắt buộc các loại giấy tờ phải là bản chính.

Trong thực tiễn, nhiều giấy tờ khác còn quan trọng hơn giấy đăng ký xe vẫn được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận bản sao có công chứng hoặc chứng thực như: bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… Rõ ràng, giấy đăng ký xe là quyền sở hữu tài sản của dân và không liên quan trực tiếp đến việc lưu thông xe.

Đáng chú ý, ngành công an đã được đầu tư lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký ô tô, xe máy - nên hoàn toàn có thể áp dụng để tra cứu trong trường hợp nghi ngờ sử dụng giấy tờ xe không đúng. Như vậy, vừa tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời vẫn đảm bảo chính xác trong quản lý nhà nước.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản sang Bộ Tư pháp và Bộ Công an đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan vấn đề này. Có thể nhận thấy, pháp luật khi xây dựng một phần chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống, có sự chồng chéo, khi thực thi chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, còn những đối tượng bị tác động thì gặp nhiều khó khăn, không biết kêu ai.

Việc đòi hỏi bản chính như đã nêu thực tế làm cản trở quyền định đoạt tài sản của người dân, đẩy cái sai, đẩy thế khó về phía người sở hữu xe. Trong khi chờ các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ bất cập như đã nói, việc cảnh sát giao thông chấp nhận bản sao được bên Ngân hàng nhận thế chấp xác nhận có lẽ là giải pháp trọn vẹn hơn cả. Có vậy, những đòi hỏi chưa phù hợp với thực tế cuộc sống mới không gây ra những thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Hoàng Khuê

Bình luận

Đọc Báo