Đừng để mất đi những nét đẹp truyền thống

(VOH) - Mùa xuân là mùa của lễ hội. Đi lễ, đi hội đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với mong ước cầu an, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân, gia đình trong mỗi dịp tết đến xuân về.

Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa ấy, thời gian gần đây đã có nhiều biến tướng khi ở các lễ hội diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp, thậm chí chen lấn đổ máu, ngất xỉu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Dư luận xã hội cũng như báo chí đã và đang chứng kiến đủ những chuyện bi hài mà mọi chuyện bắt nguồn chủ yếu từ ý thức của người đi lễ hội và cả những yếu kém trong quản lý văn hóa của chính quyền địa phương.

Sự việc nổi cộm được truyền thông phản ánh và dư luận xã hội chú ý nhất trong mấy ngày gần đây là chuyện một sư thầy ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) đã “tung lộc” cho phật tử và du khách ngay sau lễ khai hội. Do số lượng có hạn mà người “tranh lộc” lại đông nên đã xảy ra cảnh xô xát, giành giật, ẩu đả, hỗn loạn cả sân chùa.

Chưa hết, cũng ngay trong không gian ngôi chùa này, cộng đồng mạng còn xôn xao về clip một cụ bà hành hương trong đám đông đã vô tình giẫm lên chân của một cô gái trẻ và cụ đã bị hành hung đến ngất xỉu. Cho đến nay, đây là 2 ví dụ điển hình nhất trong rất nhiều trường hợp không hay, thể hiện sự yếu kém trong văn hóa và nhận thức của người đi lễ. Còn nhớ chuyện tương tự khi khách thập phương tranh cướp ấn ở đền Trần, Nam Định nhiều năm trước và mới đây là sự chen lấn đến ngạt thở ở chùa Bà Châu đốc.

Một người đàn ông vung nắm đấm vào đám đông trong khi tranh giành phết. Ảnh: TTO 

Đáng buồn thay, những nơi thờ tự lẽ ra rất cần sự tôn nghiêm, thành kính, thì bỗng chốc biến tướng trở thành nơi mà người ta dễ dàng xô xát, giẫm đạp và hành hung lẫn nhau chỉ vì tranh giành phúc lộc hoặc vì một vài va chạm nhỏ. Một hoạt động tín ngưỡng dân gian rất đẹp và rất hay trong lễ hội, bỗng chốc biến tướng trở thành một hoạt động “tranh cướp”, mà nhiều người cứ quen miệng với cụm từ “cướp lộc”.

Vậy nhưng đã mấy ai tự hỏi, lộc phải cướp mới có được thì liệu rằng nó còn mang ý nghĩa tốt đẹp như đã từng có ?

Ấy vậy mà, từ năm này đến năm khác, trong các mùa lễ hội, tình trạng đó vẫn tiếp tục diễn ra, chỉ khác về  số người tham dự và mức độ hỗn loạn. Lúc này, câu trả lời không chỉ là ý thức của người tham gia lễ hội quá kém, thậm chí là cả sự lệch lạc đến ái ngại và cũng có cả phần trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội ở địa phương.

Rõ ràng, khi đến với lễ hội không ít người hiểu rất mù mờ về nó, lại mong tìm kiếm điều này nọ, thì lẽ đương nhiên, những yếu tố tiêu cực là điều tất yếu phải xảy ra, như cách mà đa số người trong cộng đồng đang ứng xử hiện nay. Như ở Đền Bà Chúa Kho và rất nhiều miếu đền khác, hàng năm, cứ mỗi mùa lễ hội về là người từ khắp nơi về cúng bái, thắp nhang đèn và đốt tiền, vàng mã. Giá trị thực của những đồ vàng mã ấy được quy ra, ước tính cả hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Chưa dừng lại ở đó, sự lệch lạc trong văn hóa lễ hội còn dẫn đến nhiều hoạt động mê tín dị đoan  như bói toán, xem quẻ, thuê người vọng bái, cầu chức cầu tài …

Tất cả đã làm cho bức tranh lễ hội đầu năm vốn tốt đẹp và đầy ý nghĩa là vậy, bỗng dưng trở thành hoạt động có nhiều điều nhức nhối, khiến chúng ta không khỏi băn khoăn và trăn trở.

Trên thực tế, văn hóa của bất cứ một cộng đồng nào trên thế giới cũng luôn luôn vận động, thay đổi và xu hướng ngày càng tiến đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Đối với lễ hội ở ta cũng vậy, những gì lạc hậu, mê tín đều bị bỏ lại phía sau để thay thế vào đó là những đổi thay mới, tiến bộ hơn.

Thực tế, cũng phải nhìn nhận rằng: mặc dù công tác quản lý lễ hội năm nay của các cơ quan chức năng còn những hạn chế và nhiều việc phải làm, tuy nhiên không phải là không có những điểm sáng và tích cực so với những mùa lễ hội trước. Điều đó cho thấy nét mới trong hoạt động tâm linh, trong mùa lễ hội đầu xuân hoàn toàn có thể làm được nếu có sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương.

Lễ hội có sức sống trong lòng người dân Việt Nam đã hàng ngàn năm, để gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội truyền thống, hạn chế những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành văn hóa và các địa phương, nơi có những danh thắng và di tích lịch sử. Tuy nhiên, để mùa lễ hội đảm bảo văn minh, lịch lãm, thì cần nhất vẫn là ý thức và hành động đúng mực của chính mỗi người dân. Đừng để phai nhạt và mất đi nét văn hoá truyền thống đẹp đẽ trong ngày xuân của dân tộc.

Đông Huyền

Bình luận

Đọc Báo