Niềm tin và hành động

(VOH) - Hội nghị Thủ tướng đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp mới đây, với 2.000 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 8.000 đại biểu theo dõi trực tuyến - gấp nhiều lần năm trước, đã thể hiện rõ sức hút và ý nghĩa của hoạt động này đối với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Đặc biệt hơn, khi hội nghị còn chưa kết thúc, người đứng đầu Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20, tháo gỡ ngay nhiều rào cản cho doanh nghiệp đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng cao. Đó là hành động khẳng định quyết tâm của Chính phủ, tạo niềm tin lớn cho doanh nghiệp và xã hội. Cần những hành động, sự chuyển động của cả bộ máy để niềm tin thành động lực, thành bệ phóng vững chắc.

Rất nhiều số liệu thống kê cho thấy, năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, bức tranh kinh tế Việt Nam sáng lên, các điều kiện kinh doanh được cải thiện tốt hơn. Năm qua, có trên 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay.

Trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 40.000. Hàng ngàn thủ tục đã được sửa và bãi bỏ… Các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử. Đối với tiếp cận các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm.

Theo kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gần đây, có 75% doanh nghiệp đánh giá 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35 có tác động tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện, có năng lực cạnh tranh cao... Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận, còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp - những vấn đề không mới và đã được nhận diện.

Như chính sách ban hành chưa sát với thực tiễn, thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh còn gây khó khăn cho doanh nghiệp… Giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn. Vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu, gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền… Những rào cản khiến doanh nghiệp tốn không ít thời gian, công sức và chi phí để xử lý, thậm chí đối phó.

Trong rất nhiều những kiến nghị gửi đến Thủ tướng, không ít vấn đề được nêu nhiều lần, nhưng doanh nghiệp lại phải kêu bởi chưa được giải quyết thỏa đáng. Đơn cử như chuyện thanh tra doanh nghiệp một lần/năm trong nghị quyết của Chính phủ đã có định hướng, nhưng không ít địa phương nơi thì chưa triển khai, nơi còn chần chừ, lấn cấn đủ đường.

Điều mà ai cũng mong mỏi sau buổi đối thoại, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ bớt đi, những phiền hà rắc rối từ cơ quan quản lý nhà nước gây ra, doanh nghiệp sẽ đỡ mất thời gian và tốn kém nguồn lực để đối phó. Thay vào đó, dành thời gian và tâm sức để lèo lái con thuyền doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, vượt sóng hội nhập.

Ngay tại cuộc gặp gỡ, nhiều kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp đã được các vị bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương quyết đáp kịp thời, rõ ràng. Cùng với đó là lời hứa những quy định bất cập sẽ tiếp tục được nghiên cứu để sớm sửa đổi, tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Đó là những minh chứng cho việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động nhằm thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp là quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị.

Hội nghị cũng thể hiện rõ đây là cơ hội để tăng cường hiểu biết giữa chính quyền với doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, quyết tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Đương nhiên, chỉ quyết tâm thì chưa đủ. Vẫn còn rất nhiều điều chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, Chính phủ và Thủ tướng còn tiếp tục hành động quyết liệt hơn để hiệu quả kiến tạo và phục vụ là bệ phóng vững chắc cho doanh nghiệp bật nhảy mạnh mẽ, vươn cao vươn xa. Quan trọng là tạo hành lang pháp lý, cơ chế để những kiến nghị được tiếp nhận, giải quyết nghiêm túc, nhanh chóng.

Khẩn trương, quyết liệt và thực tâm tháo gỡ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tránh những biến tướng, gánh nặng từ thủ tục hành chính, nhũng nhiễu của cán bộ quản lý, chống tiêu cực, công khai minh bạch các chủ trương, chính sách…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Thủ tướng đã đi trước bằng một Chỉ thị 20 nóng hổi. Cần một sự chuyển động đồng bộ, áp dụng cho tất cả cuộc đối thoại ở các cấp bộ ngành, địa phương. Trên thực tế, nhiều bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi nhận thức, cơ chế chính sách. Hành động để xóa bỏ những bất cập trong chính sách và quản lý.

Quyết tâm, hành động của Chính phủ trong việc kiến tạo đã mang đến niềm tin lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Đã đến lúc các cơ quan quản lý, cả bộ máy phải vào cuộc với tinh thần kiến tạo, thay đổi tư duy hành chính sang tư duy phục vụ. Có như vậy mới có thể biến niềm tin thành động lực, kiến tạo bệ phóng vững chắc, giúp doanh nghiệp dốc toàn lực sáng tạo và phát triển mạnh mẽ.

Hoàng Khuê  

VOH

Bình luận

Đọc Báo