Tác phẩm “Giai điệu Tổ Quốc”-  Bản hùng ca thời bình

(VOH) – Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ đang là nhà biên kịch “ăn khách” ở mảng kịch nói và phim truyền hình. Riêng ở thể loại chính kịch, tác phẩm “Giai điệu Tổ quốc” từng nhận giải B hạng mục Sáng tác “Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí với chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Một điều đặc biệt, ngoài dựng thành kịch, tác phẩm “Giai điệu Tổ quốc” cũng được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Chèo Việt Nam chuyển thể ý tưởng để đưa lên sân khấu dàn dựng. Điều này cho thấy sức lan tỏa cũng như giá trị của tác phẩm này, mà không phải tác phẩm nào cũng có được, đóng góp đáng kể trên lĩnh vực Văn học, nghệ thuật, góp phần đắc lực phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của công chúng.

Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn với nhà biên kịch Vương Huyền Cơ xung quanh tác phẩm “Giai điệu Tổ quốc” cũng như đầu ra cho thể loại chính kịch hiện nay:

Nhà Biên kịch Vương Huyền Cơ (Ảnh: thethaovanhoa)

* VOH: Chị có thể chia sẻ một số thông tin về tác phẩm Giai điệu Tổ quốc?

- Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Chọn đề tài viết về người thanh niên trước cuộc sống họ vô cảm, nhưng trước biến cố họ ngạc nhiên, tự hỏi lí tưởng và mục đích sống của mình là gì. Bắt đầu cậu thanh niên đó đi tìm hiểu những địa danh nóng bỏng mà báo chí nêu như đảo Lý Sơn, nghĩa trang biên giới phía bắc… Trong đó, tôi tâm đắc nhất một chi tiết là có một cựu chiến binh, ông ấy đi quy tập hài cốt đồng đội, nhưng trong quá trình đó thì thấy hài cốt của lính Việt Nam Cộng hòa, ông ấy cũng mang về và chôn ở vườn nhà mình. Ông nói là đã mất đi thì không còn phe này hay phe kia, mà tất cả là tình đồng bào. Vì việc đó ông bị khiển trách, bị cách chức nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Tôi nghĩ đó là sự nhân văn và tiến tới sự hòa hợp của hai bên.

*VOH: Là nhà biên kịch viết nhiều thể loại, nhưng riêng với Giai điệu Tổ quốc có phải là sự thử thách với chị?

- Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Cũng không hẳn là thử thách, vì khi viết về hài kịch, kinh dị thì mình viết vì thị trường, thị hiếu khán giả, còn viết chính kịch là viết theo sự thôi thúc của nhiệm vụ, của con tim trước cuộc sống xã hội… Có thể không đứng trên sân khấu bán vé nhưng dàn dựng phục vụ mục đích chính trị hay trên sóng truyền hình thì mình nghĩ nó cũng đạt được yếu tố đại chúng. Tôi nghĩ nếu mình viết bằng cảm xúc thật sự, yêu nước thực sự thì không có gì khó khăn vì đó là tiếng lòng của mình.

*VOH: Những thể loại này chị nghĩ đầu ra có khó hay không?

- Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Đầu ra có thể khó khăn ở việc bán vé, nhưng nếu kí được hợp đồng diễn ở trường đại học hay cơ quan ban ngành thì rất tốt, vì nó không hề khô khan, mà đi vào tình cảm của con người. Vấn đề này cũng không phải xa lạ gì, vì nhiều thanh niên hiện nay họ quên mất mục đích sống, họ chỉ lao vào kiếm tiền và hưởng thụ. Họ quên mất một thời tuổi trẻ của mình, sống như thế nào, sống để cống hiến hay hưởng thụ. Vở kịch đánh một dấu hỏi cho những người trẻ nhìn lại mình, chọn lối sống cho mình vì sống không chỉ tồn tại mà sống để đến khi ra đi để lại cái gì. 

*VOH: Đề tài này liệu rằng có kén khán giả, chị có sợ điều đó?

- Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Dĩ nhiên là có, vì công chúng sau một ngày làm việc mệt mỏi người ta thích giải trí, thích cười, thỏa mãn cảm xúc của họ. Nghe kịch tuyên truyền nhiều người nói “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nên chúng ta phải tìm cách tiếp cận. Vì thực sự những loại kịch này không phải tuyên truyền. Ngay cả cơ quan ban ngành thường hay nói sân khấu chạy theo thị hiếu khán giả, nhưng muốn định hướng thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả thì cơ quan ban ngành phải biết định hướng lại, phải biết đầu tư chọn lọc tác phẩm, tài trợ để cho ra những tác phẩm đến với công chúng thì mới thành công.

* VOH: Cảm ơn chị.

Hải Hạnh

Bình luận

Đọc Báo