Ứng phó bão số 12, lên phương án sơ tán người dân và tiến hành kiểm soát xả lũ các hồ, đập

(VOH) - Theo dự báo của Đài KTTV quốc gia, bão số 12 mỗi giờ đi được 15-20km, có khả năng mạnh thêm và gây mưa to ở Trung bộ

Theo bản tin cùa Đài KTTV Quốc gia, vào hồi 10 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. 

Dự báo đường đi và tầm ảnh hưởng của bão số 12 - Nguồn: NCHMF

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều nay (9/11) đến ngày 12/11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Đây là khu vực có diện tích cây trồng chưa thu hoạch lớn và nhiều nguy cơ mất an toàn về đê điều, hồ chứa. 

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 12 diễn ra sáng 9/11, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: "Nhận định của các đài khí tượng quốc tế về cường độ bão số 12 trên Biển Đông khá tương đồng. Cụ thể Nhật Bản và Hong Kong cho rằng bão đạt cường độ mạnh nhất trên biển là ở cấp 8-9, vào bờ mạnh sáng 10/11 mạnh cấp 7-8. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, qua phân tích nhiều mô hình, bão hướng vào Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và dự kiến đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Từ rạng sáng đến trưa 10/11 trên đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa sẽ có gió mạnh mạnh nhất"

"Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên", ông Khiêm đưa ra cảnh báo.

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: TTO

Trước những thông tin dự báo, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã lên kế hoạch di dời 103.644 hộ dân với 403.426 người tương ứng với kịch bản bão cấp 8 – 11. Trong đó, Bình Định 15.761 hộ/64.530 người; Phú Yên 30.162 hộ/107.371 người; Khánh Hòa 37.837 hộ/151.349 người; Ninh Thuận 9.529 hộ/38.116 người; Bình Thuận 10.355 hộ/42.060 người.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng chiều dài các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận là 148,2 km. Trong đó, có 9 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 1,8km. Do ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ làm sạt lở 1,6 km kè biển Tam Quan (Bình Định); hiện nay địa phương mới khắc phục tạm thời những vị trí bị sạt lở nặng bằng bao tải cát. 

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đang chỉ đạo các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên vận hành xả lũ 7 hồ chứa. Lưu lượng cụ thể của một số hồ chứa thuỷ lợi là: Cửa Đạt 21m3/s (Thanh Hóa); Tả Trạch 211m3/s (Thừa Thiên Huế); Phú Ninh xả 60 m3/s (Quảng Nam). Các hồ chứa khác đang xả dưới 20m3/s.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Công Thương sáng 9/11 cho biết thêm, tại khu vực Tây Nguyên hiện có 20 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn. Tương tự tại Kku vực Duyên Hải Nam Trung Bộ, 11 hồ chứa cũng được vận hành điều tiết qua tràn để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.