10 năm xây dựng Nông thôn mới: Nhiều thành tựu nổi bật

(VOH) - Sau gần 10 năm thực hiện bộ tiêu chí về nông thôn mới, vùng nông thôn TPHCM đã có những thay đổi rõ nét, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực thì quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây là nội dung được đề cập trong chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” do Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện, diễn ra vào sáng 29/6, với chủ đề “Nông thôn mới và những vấn đề cần quan tâm”.

Từ năm 2009, TPHCM chính thức triển khai Bộ tiêu chí về nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể đề ra là đến năm 2020 phấn đấu tất cả 56 xã và 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của người dân được nâng cao theo hướng bền vững.

Các khách mời tham gia “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” ngày 29/6 với chủ đề Nông thôn mới và những vấn đề cần quan tâm

Các khách mời tham gia “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” ngày 29/6 với chủ đề Nông thôn mới và những vấn đề cần quan tâm

Qua 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 đạt bình quân 502 triệu đồng/ha/năm, tăng 427,2% so với năm 2008. Ước tính năm 2018 thu nhập của người dân vùng nông thôn thành phố là 54,76 triệu đồng/người/năm. Thành phố cũng đầu tư hơn 9.230 công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần thực hiện an sinh xã hội, kết nối giao thương và phát triển sản xuất.

Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho biết: “Người dân nông thôn, nhất là nông dân rất vui mừng, đồng tình, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và phát huy được vai trò chủ thể trong việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã có gần 22.000 hộ nông dân tham gia hiến đất để làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng khác. Đã huy động nguồn lực của xã hội xây dựng và sửa chữa hơn 10.000 căn nhà tình thương, xóa nhà tạm nhà dột nát. Nhờ có chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước về vốn ưu đãi, về khuyến nông, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất, nên đời sống nhân dân ở nông thôn được nâng lên rõ rệt.”

Tuy nhiên, người dân nông thôn còn quan tâm đến nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nông dân Hồ Chí Cường, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương: “Cái vấn đề môi trường tại sao ở địa phương của chúng tôi vấn đề nước, kênh rạch hiện nay bị thâm đen mà người dân vẫn vứt rác, chúng tôi xử lý rất khó khăn. Thành ra, xã nông thôn mới của chúng tôi còn thiếu 1 tiêu chí đó nên chưa đạt. Mình có biện pháp nào để ngăn ngừa.”      

Về vấn đề này, ông Thái Quốc Dân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố cho biết môi trường tại các xã nông thôn mới là vấn đề rất quan trọng. Đây là một tiêu chí khó, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Trong đó, cần phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Vì vậy, phải tăng cường bồi dưỡng và phát huy năng lực tuyên truyền trong bảo vệ môi trường. 

 “Đối với các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi, thì Sở Tài nguyên Môi trường, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP, Sở Nông nghiệp hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh chăn nuôi các quy định bảo vệ môi trường. Đối với từng xã thì xây dựng tuyến đường xanh sạch đẹp, có thể trước mắt là chưa toàn diện nhưng có thể thí điểm từng tuyến đường. Đặc biệt, đối với những khu công nghiệp thì hiện nay Hội đồng nhân dân TP cũng sau quá trình đi khảo sát đang phối hợp với các đơn vị để làm sao đảm bảo thực hiện được, nhất là các cơ sở sản xuất công nghiệp phải đảm bảo vấn đề xả thải” - ông Thái Quốc Dân nói.    

Đặc biệt, trong bộ tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí nâng cao thu nhập và giảm tỉ lệ hộ nghèo là một trong những thước đo cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Vì vậy, các địa phương đều tập trung thực hiện những giải pháp thiết thực như huyện Cần Giờ thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và đời sống, giải pháp hỗ trợ vốn sản xuất làm ăn cho hộ nghèo, đảm bảo nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống trong gia đình… Huyện cũng quan tâm phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất; phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch…

Bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết trong thời gian tới, để đạt được 19 tiêu chí nông thôn mới, thì ngoài việc nâng cao sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì phải có sự chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp cũng như không ngừng phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

“Phải đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức của người nông dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Đổi mới toàn diện chính sách đối với nông dân, phát huy dân chủ, và mọi tiềm năng của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả giữa chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội, trong quá trình phát triển phải đảm bảo tính bền vững, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí cũng như chất lượng đời sống văn hóa, xã hội trên địa bàn nông thôn” - bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm cho biết thêm.

Về phát triển kinh tế hợp tác, nông dân Nguyễn Văn Hoàng, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi nêu vấn đề: “Thành phố ủng hộ phát triển kinh tế hợp tác, vậy chúng ta có chính sách nào để triển khai trong thực tế hay không? Làm sao để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp?”

Ngoài ra, một số nông dân còn quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, yếu tố văn hóa, truyền thống, đạo đức con người trong xây dựng nông thôn mới …Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM nhận định mặc dù chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường, cảnh quan ở nông thôn. Ngoài ra, nông dân còn gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như vấn đề xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp còn vướng nhiều cơ chế, hay vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông. 

“Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững, thì chúng ta cũng phải quan tâm làm sao không để các hộ tái nghèo, hay chúng ta tiếp tục phát huy. Hiện nay qua khảo sát có rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhưng để nhân rộng cho toàn thể 56 xã, thì chúng ta cũng cần quan tâm thêm, rồi có những cá nhân, tổ chức, người dân tích cực tham gia đóng góp cho chương trình thì chúng ta phải phát huy kịp thời, khen thưởng, tuyên dương động viên, khích lệ để thực hiện chương trình tốt hơn”  - ông Cao Thanh Bình cho biết.

Tàu cá bị chìm sau khi va chạm làm 1 người tử vong, 9 người mất tích - Tính đến thời điểm 11h ngày 29/6, lực lượng phương tiện tại hiện trường đã cứu sống được 9 thuyền viên, phát hiện vớt được 1 thi ...
Bình Dương: Nổ lớn trong công ty bia, nhiều người may mắn thoát chết - Vụ nổ tại công ty TNHH Phú Mỹ Hưng chuyên sản xuất bia trên đường Bùi Thị Xuân, phường An Phú, thị xã Thuận An đã làm bay mái ...