Áp dụng mô hình AIM hỗ trợ xây dựng chính sách biến đổi khí hậu tại TPHCM

(VOH) - Tiềm năng giảm khí nhà kính và các biện pháp đối phó có thể xảy ra vào năm 2030 được xác định dựa trên phân tích định lượng của AIM. 

Sáng 21/3/2019, Hội thảo triển khai kế hoạch năm 2019 dự án SPI- NAMA do Văn Phòng Biến đổi khí hậu - Sở TN&MT TPHCM cùng với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, diễn ra tại TPHCM với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. 

AIM , biến đổi khí hậu, TPHCM

Các đại biểu tham gia hội thảo

SPI-NAMA là dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia được triển khai tại TP.HCM từ năm 2015. Dự án áp dụng mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương AIM được phát triển bởi các viện nghiên cứu tại Nhật bản, hỗ trợ xây dựng các kế hoạch xã hội carbon thấp (LCS) tại TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Tiềm năng giảm khí nhà kính và các biện pháp đối phó có thể xảy ra vào năm 2030 được xác định dựa trên phân tích định lượng của AIM. 

Hội thảo cũng ghi nhận và thảo luận xung quanh các thông tin và số liệu phục vụ AIM và rà soát chính sách cũng như thiết lập mạng lưới phối hợp giữa các ban ngành, các chuyên gia. 

Theo thống kê, hiện nay phát thải từ Năng lượng tĩnh và giao thông chiếm 91% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà nhà kính ở TP. HCM. Lượng phát thải bình quân đầu người của TP.HCM (4.2 tấn CO2 ) tương đương với Seoul (4.6 tấn CO2), London (4.7 tấn CO2), Buenos Aires (4.4 tấn CO2), dù sự phát triển về kinh tế của TPHCM chậm hơn so với các thành phố này.