Áp dụng thu phí ô tô vào trung tâm TP: mỗi năm tiết kiệm được từ 12.000 - 15.000 tỷ đồng ?!

(VOH) - Đề án thu phí ô tô vào trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông, có ý kiến cho rằng, TP đang xây rào chắn bao quanh thành phố.

Các cơ sở pháp lý và các dữ liệu, kinh phí đầu tư, lệ phí và sử dụng lệ phí, tính khả thi của đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM để hạn chế ùn tắc giao thông là những vấn đề được các chuyên gia góp ý, đề xuất tại hội nghị phản biện do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM, Sở Giao thông Vận tải TP tổ chức sáng 12/12.

Sau 15 năm tiết kiệm được 245 ngàn tỷ đồng

Đề cập đến hệ thống thu phí, ông Lâm Thiếu Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Toàn Cầu – Tổng Giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong cho rằng, khá đơn giản, khi vận hành, tất cả các loại xe đi ngang qua cổng trạm không biết rằng đang được cơ quan chức năng quan sát. Do đó, hệ thống này không ảnh hưởng đến tình hình giao thông và các khu vực ùn tắc khi triển khai cổng thu phí. Ông tính toán, tổn thất của toàn xã hội hiện nay do ùn tắc giao thông đã tiêu tốn mỗi năm từ 1,5 - 2 tỷ đô la Mỹ. Nếu triển khai hệ thống này sẽ đem lại hiệu ứng tốt cho toàn bộ nền kinh tế xã hội.

“Khi chạy mô hình giao thông, xe ô tô giảm bớt, xe buýt có đường chạy, xe gắn máy lưu thông tăng được khoảng 10%. Và thời gian tham gia giao thông của người dân dự kiến tiết kiệm 10 phút. Và 10 phút này, nhân với chi phí của toàn bộ người dân tham gia giao thông, tiết kiệm được chi phí giao thông do tốc độ giao thông tăng lên nên tiết kiệm được 12.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng/năm. Và trong vòng 15 năm dự án, tiết kiệm của toàn bộ xã hội khoảng 245.000 tỷ đồng”, ông Quân cho biết.

Đề xuất, giải quyết nhu cầu cho xe bốn bánh, nên mở rộng làn đường, theo Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia ngành giao thông vận tải, hệ thống giao thông công cộng ở TP hiện vẫn chưa hình thành rõ nét, chưa có các chuyến đưa người dân ở khu vực quận 2, quận 9 đi làm ở quận trung tâm.

Ông Sanh kiến nghị cần điều chỉnh lại quy hoạch giao thông, bố trí lực lượng chức năng điều tiết ngay trước giờ cao điểm. Bên cạnh đó, kết hợp với đầu tư xây dựng, đầu tư bất động sản, chung cư, bố trí khu dân cư, công nghiệp, doanh nghiệp ra sao cho hợp lý. Đường Nguyễn Duy Trinh, cầu Rạch Chiếc mới làm nhưng quá nhỏ, trong khi cây cầu này nối kết giữa trung tâm quận 9, quận 2, Thủ Đức ra bên ngoài. Ông Sanh cho rằng, trong lúc quy hoạch giao thông chưa nghiên cứu kỹ, Sở Giao thông Vận tải nên đề nghị UBND TP hạn chế lại việc đầu tư xây dựng ở quận 2, 9.

“Vần đề tai nạn thường xuyên, ngay đường Nguyễn Duy Trinh, nối kết gần đường cao tốc, hoặc đường vào cầu Phú Hữu. Như vậy đường vào đã thấy hạn chế nghiêm trọng. Và đi xe, dù cho xe bốn bánh, hay hai bánh, xe tải, xe bất kỳ cũng thấy bất cập. Và chưa kể là bây giờ phải nghĩ ngay một con đường cho xe container từ Cát Lái ra thế nào, chứ không được đi chung nữa. Vẫn tiếp tục đi chung vậy thì tiếp tục tai nạn và kẹt xe”, ông Sanh cho biết thêm.

Toàn cảnh hội nghị phản biện góp ý, đề xuất đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM để hạn chế ùn tắc giao thông

Chưa khả thi 

Trong khi đó, ở góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh - Chuyên gia ô tô và thiết bị động lực nhìn nhận đề án này chưa thực sự khả thi. “Muốn chống ùn tắc, phải tổ chức xã hội, tổ chức việc đi lại cho nhân dân. Có lệnh cho phép những loại xe nào được vào thành phố, xe lực lượng chức năng, cứu thương, cứu hỏa, du lịch… Đồng thời, bố trí lực lượng taxi nhỏ vào thành phố phục vụ nhu cầu đi lại”, ông Huy đóng góp.

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ có thêm nhiều giải pháp để tạo thêm sự đồng thuận, chẳng hạn phối hợp với địa phương, phát phiếu điều tra xã hội học, phiếu thăm dò… để làm sao đề án này được hoàn thiện nhất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM - Vũ Thanh Lưu, yêu cầu những vấn đề phát biểu, đặc biệt là đề xuất, trong đó có kiến nghị về sự đồng thuận của lãnh đạo, người dân TP, đề nghị nên tiếp thu.