Băn khoăn về sự trùng lắp giữa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ

(VOH) - Phần lớn ý kiến các sở ngành, công an TP đều thống nhất về sự cần thiết tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 và tách thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Những ý kiến này được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố trong buổi hội thảo sáng 30/9.

Cần thiết tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phần lớn ý kiến các sở ngành, công an TP đều thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 và tách thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: VOH

Sau 12 năm ban hành Luật Giao thông đường bộ xuất hiện nhiều bất cập so với tình hình thực tiễn. Do đó việc Chính phủ đề xuất dự thảo điều chỉnh và tách thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ. Qua đó tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giao thông đường bộ. Cần thiết phải tách riêng thành 2 luật nhưng cần soạn thảo kỹ hơn để tránh trùng lắp chức năng và nhiệm vụ. Trung tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Công an TPHCM chỉ ra 1 số nội dung cần điều chỉnh: “Khoản 1 điểm a quy định người điều khiển xe phải có giấy phép, đăng ký gắng biển số theo quy định… những nội dung này đã quy định trong Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì không đưa vào luật này để tránh trùng lắp”.

Một số ý kiến còn băn khoăn về sự trùng lắp, chồng lấn giữa Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, điều cốt lõi không phải chỉ tách thành hai luật, mà cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng chủ thể như thế nào. Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, thì trong quá trình sửa đổi lần này luật cần quan tâm đến chế tài xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông. “Ý thức tham gia giao thông được hình thành qua giáo dục và nhận thức. Nhận thức được hình thành từ nền tảng giáo dục và chế tài. Chế tài sẽ làm thay đổi ý thức. Ví dụ cùng 1 người đó ở Việt Nam có thể vi phạm nhưng ra nước ngoài không vi phạm do chế tài rất nặng”, ông An nói.

Đánh giá cao dự thảo của Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông với nhiều điểm mới, phù hợp với công ước quốc tế và tình hình giao thông tại Việt Nam, theo Luật sư Trương Thị Hòa thì Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cần quan tâm quy định thêm về sản xuất phương tiện giao thông. Bà Hoà ý kiến: “Tôi thấy chưa chú ý về sản xuất phương tiện giao thông. Cần phải đồng bộ 2 luật này cả 2 bộ phải chú ý đến những quy tắc về sản xuất phương tiện giao thông”.

Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Văn Thị Bạch Tuyết, đây là 2 dự án luật rất quan trọng gắng với cuộc sống thường ngày của mọi người dân, nhất là tình hình trật tự an toàn giao thông nên Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của nhiều ngành, nhiều chuyên gia, địa phương và cả người tham gia giao thông để hoàn thiện dự thảo trước khi thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 sắp tới.