Biến “nguy” thành “cơ”, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc

(VOH) - Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới.

Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” tiếp tục với chủ đề Vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển thành phố.

Tham dự có ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ khoá X, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao, nhìn nhận, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia. Quá trình số hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, với kinh tế số, nền sản xuất thông minh, xã hội số, các hình thái mới về tiêu dùng, lối sống. Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới. Nhiều dự báo cho rằng, 5–10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số, và chỉ trong 2-3 năm tới, sự phổ cập nhanh chóng của công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của các quốc gia, tương quan sức mạnh và quan hệ các quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, sự xuất hiện của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước lập nghiệp, đầu tư, kinh doanh, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh hàng đầu của đất nước, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ. Ông cho rằng, sự tham gia của 4 người Việt Nam ở nước ngoài trong tổng số 15 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng rõ nét cho sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với hiệu quả đóng góp của trí thức kiều bào. “Vì vậy, Đảng và Nhà nước có niềm tin vững chắc rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, với sự đồng hành của 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, trong đó 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học..., chúng ta hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc”- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành phố tham dự hội nghị

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong mô hình tôm sạch từ ao nuôi đến bàn ăn, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Mỹ Lan, kiều bào Canada cho biết, quê ông ở Trà Vinh, mỗi năm, tháng 11, xâm nhập mặn đều vào, năm vừa rồi, xâm nhập mặn vào 3 cây số, sông Hậu, sông Cá Lớn vào 65 cây số. Theo ông, người dân bây giờ coi xâm nhập mặn là cơ hội mới để đầu tư phát triển ngành tôm nước lợ.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 4 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, 1 ký tôm xuất khẩu hiện nay giá trị gấp 20-40 lần ký gạo. Do đó, theo ông, con tôm rất có giá trị. Thị trường tôm rất tốt. Hiện nay trên thế giới tiêu thụ gần 5 triệu tấn tôm trị giá khoảng 45 tỷ đô la Mỹ gồm: tôm nuôi và tôm đánh bắt, tôm thẻ chân trắng (khoảng 15 tỷ đô la Mỹ), nuôi thâm canh (tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm). Trong khi đó, thị trường tôm nội địa khoảng 1 tỷ đô la Mỹ nhưng lại bị bỏ quên.

Hiện một hộ nông dân có 1 hecta thì chỉ 0,2 hecta nuôi tôm và dành đến 0,8 hecta dùng để xử lý nước do thiếu công nghệ xử lý nước. Rồi dịch bệnh, dùng nhiều thuốc kháng sinh, dẫn đến siêu vi khuẩn kháng kháng sinh trong con tôm. Đây là những vấn đề rất lớn trong xuất khẩu tôm thời gian tới. Một vấn đề nữa là khó truy xuất nguồn gốc, đa số bán cho thương lái. Ngành tôm của Việt Nam trong mấy chục năm qua là nhập tôm của Ấn Độ, Ecuador về tái xuất.

Theo ông Mỹ, hiện vấn đề của các hộ nông dân có 4 cái thiếu: Thiếu quan tâm chăm sóc người làm cho mình, thiếu trách nhiệm và đạo đức về an toàn sinh học cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bán tôm nhiễm thuốc kháng sinh; Thiếu tiền, thiếu kiến thức, thiếu đầu tư những thiết bị để theo dõi sức khỏe tôm, nguồn nước, truy xuất nguồn gốc. Để giải quyết vấn đề này, công ty của ông đã làm ra những sản phẩm công nghệ áp dụng trong quá trình nuôi, theo dõi và chăm sóc tôm để có chất lượng tốt nhất. “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi tăng trưởng và bệnh của tôm. Mỗi ao nuôi có mã vạch định danh, đọc mã vạch định danh thì tất cả dữ liệu đưa về ao, lấy nước cho ô thùng B, bỏ tôm vào...để điện thoại chụp hình. Đây là những dữ liệu load về từ đó, và khi xem hình chụp thì tự động gởi lên internet và phân tích và cho biết cỡ tôm bao nhiêu, trọng lượng, chiều dài, sức khỏe, bệnh như thế nào, ví dụ màu đỏ là bệnh đường ruột”, ông Mỹ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị tận dụng tốt thời cơ để số hóa dữ liệu

Phân tích tình hình dịch tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đưa ra con số cảnh báo, hiện nay trên thế giới có tới 45 triệu người nhiễm Covid-19, dự báo khoảng 1 tuần nữa sẽ có thêm 5 triệu người nhiễm. Ngày 31/12 có thể sẽ có khoảng 60-70 triệu người nhiễm. Như vậy, để trở lại trạng thái “bình thường mới”, chúng ta phải mất hơn 1 năm. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt thời cơ này, khi các doanh nghiệp trên thế giới đang chững lại mọi hoạt động, thì doanh nghiệp Việt Nam nên dành thời gian để số hóa mọi khâu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp. “Vấn đề số hóa tài nguyên các doanh nghiệp và Chính phủ, theo tôi cái này phải làm khẩn trương. Nếu mà mỗi một đơn vị đi tìm một doanh nghiệp để làm tư vấn vấn đề số hóa theo tôi sẽ rất lãng phí. Bởi các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề sẽ có cơ cấu dữ liệu giống nhau. Tại sao chúng ta không cùng suy nghĩ để hình thành giải pháp số hóa chi phí thấp cho tất cả các doanh nghiệp của từng ngành nghề. Rất muốn các doanh nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm ngồi lại với nhau, hình thành các nhóm doanh nghiệp, để cung cấp dịch vụ số hóa giúp cho doanh nghiệp một nhóm ngành, y tế thì dữ liệu y tế, giao thông thì dữ liệu giao thông, thì như vậy chúng ta mới có được giải pháp chi phí thấp cho số hóa, đừng để từng doanh nghiệp tự bơi làm giải pháp này”- ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.