Citenco và Pro Việt Nam 'liên minh' xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế quy mô lớn

(VOH) - Hiện nay, mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn.

Sáng 16/11, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco) và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.

Theo đó, hai bên cam kết sẽ hợp tác xây dựng các dự án trong những lĩnh vực như: Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; Xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích dành cho chất thải có thể tái chế; Vận động chính sách để tạo ra cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi cho chất thải có thể tái chế, đẩy mạnh truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và những người thu gom rác độc lập.

xử lý chất thải tái chế

Lãnh đạo 2 đơn vị Citenco và Pro Việt Nam thực hiện nghi thức ký kết Biên bản ghi nhớ

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho hay: "Hiện nay, mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn. Tỷ lệ gia tăng khối lượng hàng năm từ 6-10%. Tính trung bình mỗi người dân TPHCM thải ra khoảng 0,98 kg/người/ngày.

Do đó, nếu làm tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ giúp giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, giảm phát thải khí carbon, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chủ trương của thành phố”.

Việc triển khai tốt các nội dung đã ký còn góp phần cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào lớn, ổn định phục vụ cho các hoạt động tái sinh, tái chế; Giúp giảm áp lực trong công tác xử lý chất thải rắn, giảm chi phí, tiết kiệm quỹ đất và giảm tác động đến môi trường.

Dự án thực hiện là cơ sở để hình thành thị trường thu hồi và tái chế chất thải nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên từ chất thải phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững.

Được biết, hiện nay, hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay do 2 nhóm đơn vị thực hiện gồm: hệ thống công lập do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và 22 Công ty Dịch vụ công ích quận/huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác toàn thành phố. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM thu gom khoảng 1.400 tấn/ngày. Hệ thống dân lập do các công ty tư nhân, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% khối lượng khối lượng rác thành phố. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành của Thành phố đạt 100%, trong khi đó khu vực ngoại thành mới chỉ đạt 70 – 80%.