Còn biểu hiện khoán trắng trong quản lý đất đai ở TPHCM

(VOH) - Sáng 30/6, Thường trực HĐND TPHCM có buổi làm việc với UBND TP về giám sát hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì hội nghị.

Giải trình trước các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận những khó khăn, khuyết điểm còn tồn tại, trong đó vẫn còn tình trạng, biểu hiện khoán trắng cho đơn vị quản lý đất đai.

Còn biểu hiện khoán trắng trong quản lý đất đai ở TPHCM

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận những khó khăn trong việc quản lý đất đai của thành phố.

Sau khi nghe đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về hiện trạng quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên đất trên địa bàn thành phố, nhiều đại biểu đề nghị báo cáo của UBND TP phải trình bày chi tiết việc lập điều chỉnh bản đồ, trong đó có liên quan đến điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong thời gian qua trên địa bàn TPHCM như thế nào, có đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của thành phố hay không.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Kinh tế, HĐND TP đề nghị: "Việc quy hoạch sử dụng đất đó đối với đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng của thành phố đến năm 2020 như thế nào so với thực tế hiện tại. Việc điều chỉnh đó cần thông tin để quá trình kiểm tra, giám sát, theo dõi thực hiện chức năng của HĐND TP chúng tôi làm tốt việc này hơn".

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, quản lý tài sản đất đai hiện nay còn nhiều chồng chéo do UBND TP phân quyền cho quá nhiều đơn vị khác nhau như: Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thành phố, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà, Sở Xây dựng, các công ty công ích… Ông Trương Lâm Danh - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng việc thu hồi đất công, nhà công đã cho thuê bị các đơn vị chiếm dụng cho thuê lại hoặc hết hợp đồng thuê nhưng không thu lại được…Đây là những vấn đề nan giải nhưng trong báo cáo chưa thấy chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.

"Về đất, năm 2014 chúng ta đã có quyết định số 81 nhưng giá thuê hiện còn bất cập, là một số đơn vị cho thuê với giá năm 1994, có nơi căn cứ theo giá thị trường, có nơi áp dụng giá thầu để lấy giá cao… Vấn đề này, trong báo cáo cũng chưa thấy đề cập, kể cả hướng xử lý trong thời gian tới cũng không thấy", ông Danh yều cầu làm rõ.

Cũng về vấn đề giá cho thuê đất của nhà nước, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP kiến nghị với thành phố xem xét lại việc cho thuê một số diện tích đất do các Tổng công ty đại diện Nhà nước quản lý.

"Một số đơn vị hiện nay có những diện tích tương đối lớn, như: Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cho Công ty xuất nhập khẩu Đức Bình thuê diện tích đất trên 9.500 mét vuông tại địa chỉ 4/19 đường Hậu Giang, phường 4, quận Tân Bình. Ở đây, nhu cầu quy hoạch xây dựng trường học rất cần diện tích cho mảng xanh mà còn rất nhiều khó khăn. Như vậy, trong quá trình đó, nếu thấy những diện tích không được sử dụng đúng công năng, thành phố đã đảm bảo tiến độ thu hồi như thế nào để trả lại đúng tiến độ công việc như vậy", bà Nhung đề nghị.

Giải trình trước Thường trực HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, do tính chất đặc thù trong việc quản lý nhà đất nên nhiều trường hợp khó sửa được vì tính chất đặc biệt hoặc do lịch sử để lại. Tuy nhiên, không vì thế mà không có những động thái để sửa chữa. Hiện Sở Tài nguyên Môi trường là đơn vị quản lý tổng thể, và tham mưu giúp UBND TP giao cho doanh nghiệp sử dụng trong việc khai thác, sản xuất kinh doanh, việc định giá đất do Hội đồng định giá đất TP… Tuy nhiên, do quỹ đất nhiều nên thành phố phải phân cấp cho các đơn vị quản lý.

"Liên quan nội dung này, trên địa bàn thành phố có những diện tích đất đai do Bộ ngành giao cho các đơn vị của Bộ ngành đó quản lý. Thành phố cũng quản lý theo cơ chế: đơn vị sử dụng trực tiếp báo cáo bộ chuyên ngành. Kênh quản lý thứ 2, quản lý về sổ sách đất đại còn trực tiếp là lãnh đạo 24 quận, huyện. Ngoài ra, có các đơn vị trực tiếp quản lý như Công ty quản lý Nhà TP được UBND TP giao quản lý một số đất theo Nghị định 09, Trung tâm quỹ đất và một số Tổng Công ty. Cũng là đất nhưng có quá nhiều đơn vị quản lý từ đó dẫn đến điều hành của UBND TP chưa sát. Chúng tôi thấy rằng, việc giao đất, quản lý đất chưa thực hiện chặt, còn có biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào quản lý trực tiếp của các đơn vị, việc xử lý không nghiêm…cần phải rút kinh nghiệm trong thời gian tới", ông Tuyến nói thêm.

Còn biểu hiện khoán trắng trong quản lý đất đai ở TPHCM

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu kết luận buổi giám sát.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, về cơ bản, nhất trí với báo cáo của UBND TP, đặc biệt là trong việc xác định những ưu điểm, khuyết điểm trước mắt để tập trung chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại vừa nêu. Việc quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Pháp luật được thành phố thực hiện căn cơ, bài bản và từng bước hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả làm được vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục.

"Một câu hỏi đặt ra mà chính quyền thành phố cần trả lời là “Nếu thành phố không có quy hoạch thì sẽ không thể phát triển được. Nhưng vì sao thành phố quy hoạch, người dân đồng tình nhưng khi triển khai quy hoạch thì người dân lại phản ứng?”. Đó là câu hỏi mà chúng ta phải bàn vì nó vướng phải Luật cũng có, vướng cách làm việc của thành phố cũng có, vướng phải sự tắc trách, vô cảm của một bộ phận cán bộ khi thực hiện quy hoạch cũng có... Cho nên, chúng ta phải trả lời câu hỏi vừa rồi cũng là tìm giải pháp để khắc phục vấn đề này cho tốt hơn", bà Tâm đề nghị.

Những nội dung tại buổi giám sát này sẽ được Thường trực HĐND TP tổng hợp và báo cáo giám sát trình ra tại Kỳ họp thường lệ của HĐND TP sắp tới. HĐND TP sẽ dành một phiên họp để giám sát chuyên đề này tại Kỳ họp từ có Nghị quyết về vấn đề này.