Công nhân đề xuất phát triển nhà ở xã hội để có nơi ở ổn định

(VOH) - Ngày 22/9, kết quả khảo sát thực tế đời sống công nhân nhà trọ, nhà lưu trú trên địa bàn TPHCM chính thức được công bố.

Khảo sát do Trường Đại học Quốc gia TPHCM và Liên đoàn Lao động TPHCM phối hợp thực hiện. Đối tượng được lựa chọn để khảo sát là 1.000 người gồm công nhân, chủ doanh nghiệp và chủ nhà trọ. 

Theo kết quả khảo sát, có đến 83,3 % người lao động thuê trọ theo hình thức thuê phòng trọ, 15% công nhân chọn ở trong các khu lưu trú và 1,7% là các hình thức khác thuê nhà ở khác.

Phần lớn họ chọn thuê các nhà trọ tự phát xung quanh vị trí làm việc. Chi phí cơ bản của công nhân là chi tiêu cho phần thuê nhà trọ hoặc phòng trọ. Số lượng được tiếp cận với nhà lưu trú do Nhà nước đầu tư còn khá thấp và mới chỉ tập trung vào các Khu chế xuất, chưa mở rộng ra các khu vực có đông người lao động sinh sống như Khu công nghiệp, cụm công nghiệp...

Để giảm chi phí thuê trọ, các công nhân nếu chưa lập gia đình thường có xu hướng ở ghép để cùng nhau chia sẻ chi phí thuê trọ và các loại chi phí khác như điện, nước, truyền hình hoặc Internet…

nhà trọ, nhà ở xã hội
Công nhân ở trọ kiến nghị phát triển nhà ở xã hội để họ có nơi ở ổn định.

Thông thường, tỷ lệ chi tiêu dành cho nhà ở của công nhân dao động trong khoảng 10-15% so với tổng thu nhập. Thông qua khảo sát, công nhân đề xuất ngành chức năng chú ý phát triển nhà ở xã hội để họ có nơi ở ổn định, phù hợp nhu cầu. Trước mắt là bình ổn giá thuê nhà trọ như có chính sách giảm tiền thuê trọ để giảm áp lực kinh phí cho người thuê nhà trọ, ổn định hoặc giảm giá điện và nước sinh hoạt, hỗ trợ ổn định trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, có đến 42,3% người lao động kiến nghị cần tăng cường nhiều hoạt động văn hóa tinh thần cho người thuê trọ tại các khu nhà trọ có đông công nhân sinh sống.

Xem thêm: