Đấu tranh nữ quyền - hành trình không hồi kết

(VOH) - Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Viện Pháp tại TPHCM đã tổ chức buổi hội thảo xoay quanh chủ đề “100 năm nữ quyền tại Việt Nam”.

Buổi hội thảo diễn ra tối ngày 20/10 với sự tham gia của các diễn giả: Nhà sử học Bùi Trân Phượng, Nhà văn Dạ Ngân, Phó giáo sư, tiến sĩ văn học Trần Huyền Sâm và người đồng sáng lập hội NYNA (Nữ Yêu Nữ Association) Lâm Ngọc Hải Sơn (Yuki).

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về tiến trình phát triển nhận thức về phụ nữ Việt Nam trong suốt 100 năm lịch sử, từ năm 1918 cho đến nay, thông qua những chủ đề chính như đạo đức, suy nghĩ, tình yêu, hôn nhân, thời trang, gia đình…   

diễn giả, nữ quyền
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: HL)

Theo nhà sử học Bùi Trân Phượng, không ít người lầm tưởng quan niệm về nữ quyền, bình đẳng giới mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây tại Việt Nam, tuy nhiên, theo nghiên cứu, làn sóng nữ quyền đầu tiên tại Việt Nam đã xuất hiện từ đầu thế kỉ XX, đánh dấu bằng sự ra đời của tờ báo Nữ Giới Chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam (năm 1918).

Nữ Giới Chung là tờ báo hướng tới đối tượng chính là phụ nữ. Ngay từ đầu những người sáng lập báo đã mong muốn tờ báo phải là “tiếng chuông thức tỉnh nữ giới”, khơi dậy ý thức dân tộc của người phụ nữ, nhắc nhở người phụ nữ quan tâm đến “vận nước”, “vận giang san”. 

Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều nhà đấu tranh nữ quyền hoạt động trong nhiều lĩnh vực... Trong đó có thể kể tới bà Đạm Phương (tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, cháu của vua Minh Mạng), được xem là một trong những nhà báo đầu tiên lên tiếng đấu tranh vì nữ quyền ở nước ta.

Nhà sử học Bùi Trân Phượng cho biết, hơn 100 năm trước, Đạm Phương đã có cái nhìn rất tiến bộ về vị trí và vai trò người phụ nữ. Do đó, những bài viết của Đạm Phương tập trung hướng về giải phóng phụ nữ, đấu tranh cho phụ nữ được bình quyền, bình đẳng với nam giới.

Từ những năm thập niên 30, cuộc đấu tranh dành độc lập, cùng với đấu tranh cho nữ quyền đi lên đỉnh cao và đạt được một số thành công nhất định và lan toả được thông điệp về quyền làm người của phụ nữ, về quyền được độc lập, được đi học, được đóng góp cho đất nước…

Có thể nói, dưới tác động của quá trình khai thác thuộc địa, chính sách văn hóa giáo dục của Pháp…, Việt Nam có sự thay đổi trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục… và tất cả đều ảnh hưởng tới phụ nữ. Từ giai đoạn này, người phụ nữ đã có mặt trong giai cấp công nhân và ở hầu hết các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách văn hóa giáo dục của Pháp cũng tạo nên một tầng lớp phụ nữ trí thức là giáo viên, nhà thơ, nhà báo… phụ nữ trở thành một lực lượng xã hội, một đối tượng quan tâm hơn, kể cả trong chính trị.

Và theo đó, vai trò của người phụ nữ đã có sự thay đổi đáng kể khi họ được tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc – và trở thành những “chiến binh” thực sự qua nhiều giai đoạn.

Cho đến nay, đấu tranh nữ quyền vẫn đang diễn ra vì thực tế sự bất bình đẳng vẫn đang tồn tại trong quan điểm của nhiều người chứ không phải trong luật lệ.

Theo bạn Lâm Ngọc Hải Sơn (Yuki) - đồng sáng lập hội NYNA (Nữ Yêu Nữ Association), phụ nữ hiện đại đã được sống cuộc đời tự do hơn, tự do lựa chọn bạn đời, tự do thể hiện quan điểm, tự do lựa chọn cách sống. Tuy nhiên, sự bất công thì vẫn còn đó, không chỉ ở nông thôn mà cả thành phố lớn.

Trong khi nam giới chỉ cần tập trung vào một công việc, thì phụ nữ vẫn phải đảm đương hai hoặc ba công việc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phụ nữ luôn phải phấn đấu nhiều hơn so với nam giới. Do đó, không ít phụ nữ đã chọn cách sống độc thân, không sinh con… để tìm kiếm sự tự do tuyệt đối cho mình.

Theo các chuyên gia, bình đẳng giới và đấu tranh cho bình đẳng giới vẫn còn là hành trình không hồi kết không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả cần thay đổi từ nhận thức của nam giới và cả nữ giới, loại bỏ cách tư duy cũ về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội và gia đình, khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm gia đình, khuyến khích phụ nữ tăng tính tự chủ, độc lập trong công việc, cuộc sống...

Đặc biệt, cần giáo dục cho thế hệ trẻ về vấn đề nữ quyền, cải thiện dịch vụ xã hội để giảm gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tăng thêm tính khả thi của chính sách, pháp luật liên quan việc thúc đẩy phụ nữ phát triển học vấn, sự nghiệp…