Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em

(VOH) - Để bảo vệ trẻ em chúng ta cần rất nhiều kỹ năng, trong đó cần có kiến thức và nhận thức, trước hết là với chính trẻ em.

Sáng 15/10, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tổ chức hội thảo: Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, nhằm thực hiện quyền của trẻ em; mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội để vừa phát huy tiềm năng trí tuệ, vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc cho trẻ em, vừa tạo điều kiện để trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ  kịp thời của toàn xã hội.

Hội thảo do Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tổ chức vào ngày 15/10

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao các hoạt động trong công tác trẻ em của Hội Bảo về quyền trẻ em TPHCM trong thời gian vừa qua. Trong đó, nhiều giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong phòng, chống xâm hại cũng như chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Hầu hết các đại biểu cho rằng, thách thức chung của các đơn vị trong việc bảo vệ trẻ em là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Do đó, để bảo vệ trẻ em chúng ta cần rất nhiều kỹ năng, trong đó cần có kiến thức và nhận thức, trước hết là với chính trẻ em. Các em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình. Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em chia sẻ: “Để thực hiện xã hội hóa công tác trẻ em được tốt hơn thì chúng tôi cần các lực lượng cơ quan ban ngành quản lý các dự án. Thứ nữa là về phía quản lý nhà nước giúp chúng tôi về thủ tục, giấy tờ giúp các em các chương trình như thế nào. Riêng về phía Chi hội Luật sư hỗ trợ tuyên truyền cho các em từ trường học đến khu dân cư, nhà trọ, các khu công nghiệp, chúng tôi tuyên truyền giáo dục cho các em và phụ huynh ý thức được nhằm giúp cho xã hội phát triển. Các em cũng được phát triển theo 4 quyền của trẻ em: Quyền sống còn, quyền phát triển và quyền tham gia đối với trẻ em”.

Tại hội thảo, ông Phạm Đình Nghinh – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM khẳng định: để tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em tốt hơn trong thời gian tới, ngoài việc chủ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức xã hội ngoài công lập tham gia vào. Nói về giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Đình Nghinh cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ có các hội thảo, hội nghị giao ban định kỳ giữa Hội với các tổ chức xã hội hoạt động về lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em. Tại đây sẽ cùng với các cơ quan nhà nước bảo vệ trẻ em lắng nghe ý kiến của các tổ chức ngoài công lập để nghe họ có những kiến nghị, đề xuất những mong muốn, khó khăn như thế nào qua đó cùng với Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP có các chương trình, kế hoạch bảo vệ trẻ em được tốt nhất”.