Để mô hình "Bác sỹ gia đình" thực sự là chỗ dựa y tế tin cậy

(VOH) - Từ thực tế của các nước phát triển, mô hình bác sĩ gia đình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện, liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, góp phần giảm quá tải tuyến trên và thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Là một địa phương triển khai thí điểm mô hình này đầu tiên, TPHCM cũng gặp không ít khó khăn.

Trong chương trình Đối thoại cùng chính quyền ngày 01/4 với chủ đề "Lộ trình thực hiện  bác sĩ gia đình tại TPHCM – những khó khăn cần tháo gỡ " đã cho thấy những bất cập khi TP thực hiện mô hình bác sĩ gia đình.

Các khách mới tham gia chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố sáng 1/4/2017. 

Theo báo cáo từ Sở Y tế, hiện TP có 326 phòng khám bác sĩ gia đình, trong năm 2016, số lượt bệnh nhân khám bác sĩ gia đình khoảng 600.000 lượt trên tổng số 35 triệu lượt khám chữa bệnh toàn ngành, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các loại hình khác. Đây là thách thức lớn cho ngành Y tế TP.

Là đơn vị triển khai thí điểm từ những ngày đầu tiên, cho đến nay, bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích  - Trưởng trạm Y tế phường 10, quận 10 chia sẻ, còn nhiều khó khăn, cụ thể là chưa liên thông được giữa trạm và tuyến trên.

“Đến nay phần mềm bác sĩ gia đình chưa có, trao đổi thông tin giữa các tuyến chưa thực hiện được. Khi có những vấn đề sức khỏe cần chuyển viện lên tuyến trên hay khi bệnh nhân xuất hiện về theo dõi tại trạm y tế, chúng tôi chưa có sự trao đổi thông tin lẫn nhau giữa bệnh viện và phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế” - bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích cho biết.

Một bệnh nhân ngụ quận Tân Phú chia sẻ trực tiếp trong chương trình, cũng bày tỏ chưa hài lòng về mô hình khám bác sĩ gia đình.

“Trong khi khuyến khích bệnh nhân chúng tôi nên ra trạm y tế khám để gần nhà, nhưng rốt cuộc, mấy bệnh hơi phức tạp một chút, cần chụp x quang thì phải vòng lên bệnh viện quận cũng như không, còn phiền toái hơn thà đăng kí khám trên bệnh viện quận” -  bệnh nhân ngụ Tân Phú nói.   

Riêng về việc khám một nơi, lấy thuốc một nẻo, bệnh nhân Nguyễn Vũ Minh, ngụ phường 10, quận 10 than phiền: “Khi khám bệnh cấp thuốc ra toa thì phải đến bệnh viện quận lấy thuốc. Như vậy sao không mang thuốc cấp về trạm để bệnh nhân khỏi phải đi lại vất vả. Những nơi gần còn đỡ, nếu xa quá thì tội cho người bệnh phải đi tới lui, rất bất tiện”.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng Phòng Khám bác sĩ gia đình, Trưởng Bộ môn Y học gia đình Đại học Y Phạm Ngọc Thạch phản hồi:” Người dân mong muốn mọi chuyện phải giải quyết tại chỗ nhưng đầu tư như vậy rất tốn kèm, lãng phí. Đầu tư chụp X quang hay máy Citi, Mri nên tập trung ở tuyến cao hơn.

Quan trọng là sắp xếp để người dân tiếp cận các xét nghiệm này tại tuyến trên thuận lợi, hợp lí nhất. Nên có chính sách ưu tiên với bệnh nhân được gửi đến từ bác sĩ gia đình”. 

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP thì đa số bệnh mới khởi phát nằm trong nhóm bệnh phổ biến của người dân. Sở Y tế đã triển khai phác đồ điều trị tại trạm y tế và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng đều phải có chỉ định.

Sắp tới đây, Sở sẽ triển khai liên thông để bác sĩ gia đình có thể chuyển viện cho bệnh nhân lên tuyến trên một cách dễ dàng.

Liên quan đến việc thanh tóan bảo hiểm y tế cho bệnh nhân khám bác sĩ gia đình, bà Lưu Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP nêu quan điểm: “Khi Bộ Y tế ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản và cách thức thanh toán cho quản lý sức khỏe như thế nào thì Bộ Y tế sẽ quy định hướng dẫn thanh toán cho phía bảo hiểm y tế. Nếu chọn bác sĩ gia đình hay phòng khám bác sĩ gia đình để đăng kí khám chữa bệnh ban đầu thì cũng phù hợp với quy định nhà nước hiện nay”.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Ban Văn hóa và Xã hội HĐNDTP cho rằng trong lộ trình thực hiện bác sĩ gia đình ngoài đẩy mạnh truyền thông đến với người dân thì phải bàn về cơ chế phối hợp.

“Cơ chế phối hợp làm sao đảm bảo khám chữa bệnh, cơ chế thuốc, thanh toán bảo hiểm thuận lợi và đầy đủ nhất cho người dân để góp phần giảm tải tuyến trên. Hiện nay, qua khảo sát tôi thấy bệnh nhân đến phòng khám gia đình còn rất ít, thậm chí có nơi bệnh nhân đến không có bác sĩ ở đây”. - bà Thi Thị Tuyết Nhung cho biết. 

Trên cơ sở nắm bắt, thấy được khó khăn, các ban ngành liên quan có sự điều chỉnh, thay đổi kịp thời để trong giai đoạn tiếp theo từ nay cho đến năm 2020, mô hình bác sĩ gia đình sẽ có thêm những bước tiến, dấu ấn mới và sẽ có được tín hiệu vui từ thực tiễn với những mô hình hay, thuyết phục, thực sự hoạt động theo đúng nguyên lý của nó.