Hình thành Thành phố Thủ Đức - Đô thị thông minh, sáng tạo

(VOH) – Các giải pháp Kiến trúc, Quy hoạch, Kỹ thuật hạ tầng Đô thị là rất cần thiết cho đô thị sáng tạo trong tương lai như Thành phố Thủ Đức.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về “sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM” chính là tạo điều kiện để kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính và khoa học - công nghệ của cả nước; có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một Thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM

*VOH: Thưa ông, sắp tới đây Thành phố Thủ Đức sẽ được thành lập. Theo ông, động lực gì mà chúng ta cần thiết thành lập Thành phố trong Thành phố?

Ông Nguyễn Trường Lưu: Tất cả chúng ta đều biết đóng góp về kinh tế của TPHCM trong những năm vừa qua là rất cao, luôn luôn chiếm khoảng gần 30% tổng GDP toàn quốc. Phải nói rằng chúng ta đã xây dựng một nền kinh tế rất tốt. Tuy nhiên, một Thành phố “nở phình” ra khoảng 10 triệu dân, mà bây giờ chúng ta chỉ xoay quanh các phát triển về kinh tế thì tốc độ nó sẽ bị kìm hãm lại, giống như là thoái hóa; chúng ta phải hình dung một đầu tàu là kéo được nhiều toa, mà chúng ta không đi vào những mũi nhọn khác về kinh tế để chúng ta tự hình dung là chúng ta có nhiều đầu tàu. Hiện nay, người ta đã bắt đầu nói đến chuyện phát triển kinh tế dựa trên thông minh – có nghĩa là dựa trên khoa học chứ không phải phát triển kinh tế dựa trên cơ khí hay sức người nhiều nữa. Tôi cho rằng Thành phố đã nghiên cứu và có nhiều mũi nhọn, tạo ra nhiều hướng. Hiện nay, chúng ta đang có 3 quận là Thủ Đức, quận 9 và quận 2. Trên một nền tảng của quận Thủ Đức, các trường Đại học, Đại học Quốc gia và các Trung tâm nghiên cứu đang có trụ sở tại quận Thủ Đức… Đó là một điều kiện rất cần thiết, vì khi phát triển về kinh tế sáng tạo thì phải dựa vào các đầu mối là các Trung tâm, các trường Đại học nghiên cứu.

Vấn đề thứ hai là Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghệ càng phát triển đều ở ở quận 9.

Và vấn đề cuối cùng là Thủ Thiêm sắp hình thành, mà chúng ta muốn xây dựng quận 2 và Thủ Thiêm là một trung tâm tài chính quốc tế.

Với 3 động lực này, chúng ta ghép trở thành một đầu tàu. Nếu chúng ta không ghép lại thành một Thành phố mà chúng ta chỉ để là cấp quận thôi, thì việc đầu tư vào cấp quận khác cấp thành phố… Như vậy chúng ta không thể nhanh chóng để thúc đẩy tạo thành một đầu tàu lớn được. Về nguyên tắc, TPHCM là một đô thị đặc biệt. Việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, về cơ sở xã hội, về tất cả là đều có một cấp, chúng ta đầu tư thì chúng ta mới có thể nhanh chóng để xây dựng được đầu tàu này.

*VOH: Nếu như vậy thì về quy hoạch không gian kiến trúc của Thành phố Thủ Đức thì có khác gì so với các quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 hiện nay? Và theo ông, đâu là những thuận lợi, khó khăn?

Ông Nguyễn Trường Lưu: Khi thành phố Thủ Đức thành lập thì đó không phải là địa chính về hành chính của quận mà tổng hợp lại thành một Thành phố, một đầu não, thì phải có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, lúc đó chúng ta mới có thể điều phối một cách tập trung được; Nếu chúng ta phân lẻ ra từng quận thì sự kết nối – ví dụ như nhu cầu về sản xuất công nghệ cao như thế nào thì sẽ kết nối trực tiếp với hệ thống khoa học, và hệ thống khoa học lại xây dựng tiếp ngay trong Khu Công nghệ cao để thúc đẩy phát triển, và bên cạnh đó Trung tâm tài chính sẽ hỗ trợ trong chuyện này. Như vậy, chúng ta giống như là một đầu mối vạch ra một đường lối về kinh tế, chính sách thì mới thuận tiện được. Từ đó, không gian về quy hoạch, về kiến trúc cũng phải được kết nối một cách đồng bộ chứ không tản mạn như hiện nay.

*VOH: Theo ông, để Thành phố Thủ Đức có thể phát triển nhanh, chúng ta cần ưu tiên thực hiện công việc gì trước?

Ông Nguyễn Trường Lưu: Chúng ta phải có một đánh giá về hiện trạng về kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Đánh giá về tất cả, nhất là về kinh tế. Mục đích khi đánh giá như vậy thì chúng ta sẽ thấy những ưu điểm cũng như những nhược điểm kỹ hơn để từ đó chúng ta có thể phát triển những ưu điểm và chúng ta có thể làm giảm tối đa những nhược điểm. Vì trong công tác quy hoạch, việc đánh giá hiện trạng, cơ sở là rất cần đánh giá một cách chính xác… Từ đó sẽ tạo ra cho chúng ta một quy hoạch về không gian tốt nhất, phù hợp với mong muốn là chúng ta xây dựng nội dung của đô thị sáng tạo này là như thế nào.

*VOH: Cảm ơn ông.