Hội nghị hướng dẫn hoạt động ban thanh tra nhân dân tại Quận 1

(VOH) - Chiều 25/9, Liên đoàn lao động Quận 1 tổ chức hội nghị hướng dẫn hoạt động ban thanh tra nhân dân, theo Nghị định số 159/2016 Chính phủ ban hành.

Có hơn 300 cán bộ công đoàn tham gia lớp tập huấn.

Nghị định số 159 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có hiệu lực từ 01/02/2017, trong đó có nhiều điểm mới góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đơn vị và doanh nghiệp.

Hội nghị hướng dẫn hoạt động ban thanh tra nhân dân
Hội nghị hướng dẫn hoạt động ban thanh tra nhân dân.  

Các cán bộ công đoàn được tập trung tìm hiểu các nội dung: nguyên tắc thành lập ban thanh tra nhân dân, theo quy định được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về dân chủ cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ban thanh tra nhân dân hoạt động theo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và kịp thời; Làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Theo quy định tại Điều 75 Luật Thanh tra và Điều 34 Nghị định số 159, Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn Ban thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và xác định phạm vi giám sát, tổ chức giám sát theo quy định.

Trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét giải quyết kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân: Đối với kiến nghị liên quan đến nội dung giải quyết việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; Có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích chi, thu ngân sách và các khoản đóng góp, quỹ phúc lợi của người lao động thuộc phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân thì Ban chấp hành công đoàn yêu cầu Ban thanh tra nhân dân cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến từng nội dung của kiến nghị, đồng thời nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân; Khi thấy đủ cơ sở theo quy định pháp luật và quy định của đơn vị, doanh nghiệp mình thì làm văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị mình xem xét, giải quyết và theo dõi việc xem xét, giải quyết; Khi có nội dung kiến nghị chưa đủ cơ sở để kiến nghị thì đề nghị Ban thanh tra nhân dân bổ sung tài liệu, chứng cứ để củng cố lập luận cho nội dung kiến nghị đó, nếu không có tài liệu, chứng cứ bổ sung thì thống nhất với Ban thanh tra nhân dân loại nội dung đó ra khỏi bản kiến nghị.

Đối với kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, tổ chức hoạt động Ban thanh tra nhân dân và những vấn đề khác, Ban chấp hành công đoàn cơ sở cần kịp thời giải quyết, hoặc kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết để tạo điều kiện, kịp thời động viên, biểu dương, khích lệ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Đây là cơ sở giúp cán bộ công đoàn, ban thanh tra nhân dân tại các đơn vị nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở.

Xem thêm: