Kiều bào hiến kế để vực dậy, khai thác tiềm năng của kinh tế TPHCM

(VOH) - Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đông đảo các trí thức, chuyên gia, doanh nhân kiều bào có trí tuệ, uy tín cao, đã đạt nhiều thành công ở những nền kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu thế giới.

Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Việc tiếp tục phát huy nguồn lực quý giá này sẽ góp phần đưa đất nước, dân tộc chúng ta chuyển mình, phát triển nhanh, mạnh và thành công lớn hơn nữa trong những năm tới. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định điều này tại Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”’ do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức. Gần 500 chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp, là kiều bào các nước cùng tham dự.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 29.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 25.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.

Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mong muốn được lắng nghe thật nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để cả nước và thành phố thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” trong trạng thái bình thường mới, nhất là những nội dung trọng tâm như: chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng; giải ngân đầu tư công; phát triển du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chuyển đổi số,…mà Chính phủ đã đặt ra nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.

Với vai trò là một đô thị lớn, trung tâm nhiều mặt của cả nước, thành phố chiếm 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước, sự phục hồi kinh tế của thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của cả nước. Do đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Ngoài những nội dung góp ý cho sự phát triển của đất nước, thành phố cũng mong muốn các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào thảo luận sâu hơn các giải pháp phát triển thành phố trong trạng thái bình thường mới, nhất là tận dụng lượng kiều hối hằng năm gửi về thành phố (khoảng 5 tỷ đô la Mỹ) để phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh của hơn 440 ngàn doanh nghiệp của thành phố, đặc biệt là hơn 44 ngàn doanh nghiệp công nghệ thông tin để đây là hạt nhân trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số của quốc gia. Đồng thời, thảo luận kỹ các giải pháp để mời gọi các doanh nhân kiều bào đầu tư nhiều hơn nữa vào thành phố, hiện nay mới chỉ có 564 dự án với tổng mức đầu tư hơn 180 triệu đô la Mỹ”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, ý nghĩa, vai trò của công cuộc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có thể được coi là “đòn bẩy” giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là cơ hội vô giá để phát triển đất nước. Đặc biệt, kiều bào đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển đất nước.

“Đóng góp đầu tiên là đóng góp vào chủ trương đường lối phát triển kinh tế. Thứ hai trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có một số đại diện của kiều bào nước ngoài đóng góp rất tích cực. Thứ ba là đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế. Với lượng kiều hối của nước ngoài đóng góp vào nước ta ngày càng tăng, trong những năm gần đây là hàng chục tỷ đô la. Năm nay dịch Covid, không cao như mọi năm nhưng vẫn tăng, đóng góp nguồn tài chính rất to lớn”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho hay.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến phát triển kinh tế

Về chính sách tín dụng cho doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) đánh giá dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với tác động của đại dịch không còn nhiều bởi bội chi đã ở mức cao, nguồn thu thuế bị giảm. Trong khi đó, lãi suất ngày càng giảm và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", tức khách hàng sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như vàng, bất động sản, tín dụng đen... Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nên xây dựng một tổ hợp tín dụng. Tổ hợp tín dụng này do Ngân hàng Nhà nước đứng ra chủ trì, xây dựng. Trong đó, các ngân hàng thương mại bắt buộc tham gia với tỉ lệ 3%-3,5% tính trên dư nợ của mỗi ngân hàng; tổng hạn mức cho vay của tổ hợp là 300.000 tỉ đồng.

“Ngân hàng lớn tham gia vào tổ hợp đó với tỉ trọng lớn hơn, còn những ngân hàng nhỏ tỉ trọng nhỏ hơn. Và gói đó dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Và Ngân hàng Nhà nước phải quy định những tiêu chí nào để cho vay. Những doanh nghiệp nào giữ những tiêu chí nào về lợi nhuận, doanh thu, lịch sử trả nợ để có thể đáp ứng được điều kiện. Đây là cấu trúc của tổ hợp tín dụng. Trước hết, phải có một ngân hàng đứng tra quản lý tổ hợp đó và tất cả các ngân hàng thương mại khác cùng tham gia”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Quang cảnh hội thảo

Giáo sư Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) chỉ ra sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động đang mở ra cơ hội tiến nhanh vào công nghệ mới. Ông cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã phân tích và thống kê được 20 lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư như điện, cơ khí, thiết bị văn phòng, thiết bị vi tính… Về xuất khẩu, Việt Nam có cơ hội xuất khẩu dịch vụ tương đối lớn, bao gồm dịch vụ viễn thông, y tế… Giáo sư Ngọc Anh cho rằng, Việt Nam có hàng trăm ngàn kiều bào là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu… làm chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia. Lực lượng này sẵn sàng tư vấn, hợp tác để phát triển đất nước, nhất là đóng góp hiểu biết của mình cùng chính quyền để xây dựng chiến lược cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong nước…

Chiều 30/10, hội nghị tiếp tục thảo luận chủ đề “Vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển thành phố”.