Kinh tế TPHCM 4 tháng đầu năm 2018: Nhiều tín hiệu phấn khởi

(VOH) - Sáng 2/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018.

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, vấn đề chống ngập, xây dựng đô thị thông minh cũng được đề cập đến tại cuộc họp.

Hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 ước đạt hơn 85.000 tỷ đồng, tăng gần 2% so tháng trước. Tính chung 4 tháng, ước đạt gần 339.000 tỷ đồng, tăng hơn 12% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 3,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 10% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt gần 12 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Thị truờng xuất khẩu sang  Hồng kông, Thái Lan, Úc, Đài Loan, Indonesia tăng nhanh…Nhập khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 4 tỷ đô la Mỹ, tăng 3% so với tháng trước, tính chung 4 tháng đạt hơn 14 tỷ đô la, tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Thành phố có hơn 13.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 154.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% về số lượng doanh nghiệp và tăng hơn 16% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá: So với cùng kỳ về số lượng dự án tăng 31%. Về số vốn thu hút, tăng 5,7%, đó là tín hiệu rất đáng phấn khởi.

Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố ước tăng hơn 6%, trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP gồm: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm, tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng hơn 7% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành.

“Trong các ngành công nghiệp trọng yếu, hiện nay ngành chế biến thực phẩm đồ uống trong 4 tháng tăng 6,63%, chiếm tỷ trọng 18,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Ngành này hiện đang có nhu cầu và phát triển tăng mạnh. So với các doanh thu bán lẻ của các cửa hàng tiện ích, các khu vực hệ thống phân phối, nhóm lương thực thực phẩm đồ uống hiện nay trong 4 tháng đấu năm đạt 38.470 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, chiếm 17% doanh thu bán lẻ”, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết.

Chương trình chống ngập và xây dựng đô thị thông minh đang tiến hành thuận lợi

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thanh Phong yêu cầu báo cáo thêm về tình hình chống ngập của thành phố và xây dựng đô thị thông minh. Theo ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, TP đã bắt đầu xuất hiện tình hình thời tiết cực đoan trong 50 năm trở lại đây. Ngày 2/2/2018, xuất hiện đỉnh triều lên tới 1 mét 71, gần vượt mức dự báo do biến đổi khí hậu của các tổ chức nước ngoài và Liên Hiệp quốc.

Đỉnh triều này chủ yếu gây ngập 11 tuyến đường đang triển khai, ảnh hưởng đến khu vực 550 km vuông dự án 10 ngàn tỷ mà TP đang triển khai. Tới nay, TP cũng đã nạo vét, duy tu hơn 83% kênh, cống rãnh thoát nước, tương ứng gần 390 km trên tổng số 450 km. Năm nay, do vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường thực hiện tốt hơn nên cũng giảm đáng kể việc gây ách tắc dòng chảy.

“Dự báo nếu mưa không cực đoan quá và với tình hình quản lý tốt thì ngập cũng sẽ giảm. Về thực hiện vốn đấu tư xây dựng cơ bản, hiện trung tâm có đăng ký với TP giảm 7 điểm ngập. Tình hình triển khai các dự án bền vững, thay đổi hệ thống cống mới được kết nối vào tuyến mới dự án kiểm soát ngập do triều, đến tháng 8 năm nay, toàn bộ 7 điểm ngập này được hoàn thiện. Về công tác công trình cấp bách mà vốn 100 tỷ đồng hiện nay, trung tâm đang triển khai được 45/59 dự án để ứng phó với mùa mưa sắp tới”, ông Công cho biết thêm.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018.

Đối với đề án xây dựng đô thị thông minh, ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP cho hay, hiện TP đã thu thập thông tin của người dân đang sinh sống ổn định tại TPHCM kể cả có hộ khẩu và không hộ khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp. "Về đất đai, chủ yếu tập trung ở Sở Tài nguyên và Môi trường, khẩn trương đẩy các dự án, phối hợp thông tin quy hoạch của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP cung cấp dữ liệu cần về thông tin quy hoạch cho người dân”, ông Đức thông tin.

Trước mắt, TPHCM sẽ thí điểm triển khai ở quận 1, 12, khu vực Thủ Thiêm quận 2, đề xuất lấy công nghệ làm nền tảng cho việc xây dựng trung tâm điều hành, vốn nhà nước chi phối, xây dựng Trung tâm An toàn Thông tin theo mô hình công ty cổ phần để có cơ chế linh động phù hợp thuê chuyên gia an ninh mạng giỏi về làm việc, tránh tình trạng trung tâm bị tấn công bất ngờ.

“Công tác giảm ngập phải được triển khai thực hiện tốt, nạo vét, ưu tiên các vị trí thương xuyên bị ngập. Tập trung triển khai sắp xếp giao quyền tự chủ xã hội hóa đối với một số lĩnh vực giao cho Sở Tài Chính, đề án mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước tại TP giao cho Ban Đổi mới doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Xem thêm: Người dân trở lại làm việc sau lễ, nhiều tuyến đường TPHCM ùn ứ