Kỳ vọng hạ tầng giao thông chuyển động mạnh mẽ trong giai đoạn mới

(VOH) - Một trong những kỳ vọng lớn của thành phố trong việc tạo đột phá về phát triển hạ tầng giao thông chính là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang dần về đích.

Trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, lĩnh vực giao thông được ghi nhận với sự kiện nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, giao thông đô thị từng bước được cải thiện. Việc ghi nhận này cho thấy ngành giao thông vận tải có nhiều nỗ lực trong việc phát triển hạ tầng giao thông, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cũng như giúp việc lưu thông, đi lại của người dân thêm thông suốt, thuận tiện. Đây cũng là nguồn động viên để Thành phố tiếp tục đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm, tạo sự đột phá mạnh mẽ về hạ tầng giao thông năm 2021, cũng như trong giai đoạn phát triển mới sắp tới. 

Một trong những kỳ vọng lớn của thành phố trong việc tạo đột phá về phát triển hạ tầng giao thông chính là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang dần về đích. Năm qua, gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng các nhà thầu vẫn nỗ lực đảm bảo tiến độ. Hồi đầu tháng 10/2020, những toa tàu đầu tiên đã về đến Thành phố, đánh dấu bước chuyển từ xây lắp sang thử nghiệm, vận hành. Thời điểm đưa vào khai thác, vận hành của tuyến metro đầu tiên ở thành phố đang đến rất gần.

Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng hạ tầng giao thông chuyển động mạnh mẽ trong giai đoạn mới 1
Ảnh minh họa: PN

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm, trong năm 2020, ngành giao thông vận tải đạt những kết quả nổi bật. Sở Giao thông vận tải đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành 10 công trình, khởi công 23 dự án, trong đó có một số công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Thành phố đã đưa vào sử dụng Bến xe Miền Đông mới góp phần giải quyết kẹt xe và kết nối với các địa phương, khánh thành nút giao thông An Sương giải quyết tình trạng ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc, hình thành và đưa vào khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh… Đóng góp của ngành dịch vụ vận tải, kho bãi chiếm tỷ trọng lớn đối với GRDP của thành phố, trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Trần Quang Lâm, cho biết: "Ngành giao thông vận tải với sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND, đã tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà thành phố giao. Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giao thông đô thị có cải thiện. Và thật vui khi ngành giao thông vận tải được ghi nhận trong 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2020".

Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành giao thông đã giải ngân khoảng 3.000 tỷ đồng, đạt 95,2% tổng kế hoạch vốn giao năm 2020. Năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khởi công 17 gói thầu, hoàn thành đưa vào sử dụng 45 dự án, giải ngân đạt trên 95% tổng vốn được giao trong năm, ước khoảng 3.300 tỷ đồng, tiếp tục triển khai 2 dự án “cải thiện môi trường nước thành phố” giai đoạn 2; dự án “giao thông xanh” theo đúng tiến độ... Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Trong năm sẽ cố gắng hoàn thành 45 gói thầu, dự án. Tiêu biểu như công trình cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh, công trình 9 lô đất ở Thủ Thiêm, nhánh cầu Bưng huyện Bình Chánh, công trình xây dựng cầu Hang Ngoài, cải tạo đường Đặng Thúc Vịnh…và một số công trình khác. Quyết tâm sẽ hoàn thành trong năm 2021 để đưa vào phục vụ người dân thành phố".

Ngoài ra, ngành giao thông thành phố dự kiến phối hợp cùng các địa phương lân cận đề xuất các giải pháp xử lý các bất cập trong quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của vùng để trình Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngay trong những ngày đầu năm 2021, công trình cầu Phước Lộc, nối hai xã Phước Lộc và Phước Kiển, huyện Nhà Bè đã hoàn thành sau 8 năm thi công, đưa vào phục vụ người dân, giúp việc đi lại, giao thương của người dân phía Tây huyện Nhà Bè thuận lợi hơn. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, người dân xã Phước Kiển phấn khởi cho biết: "Trước đây cầu sụp xệ người dân đi rất khó, đường rất nhỏ, xe cộ đông. Người dân đi khó khăn. Giờ đường sá đẹp đẽ, cầu mới thì người dân ở đây vui mừng, làm ăn, buôn bán, lưu thông thoải mái".

Cùng với công trình cầu Phước Lộc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan hoàn thành, đưa vào khai thác trước tết Nguyên đán 04 gói thầu, dự án, nhằm chào mừng kết quả Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời hưởng ứng hoạt động “Mừng Xuân, Mừng Đảng” của Thành phố dịp Tết Tân Sửu. Hai công trình trọng điểm là: Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức thi công xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ.

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nhìn chung, ngành giao thông vẫn gặp khó khi tiến độ hoàn thành các công trình bị ảnh hưởng lớn, giảm hiệu quả đầu tư dự án, nhiều dự án đội vốn… Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông cho biết, năm nay, thành phố sẽ tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực để đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Đây cũng là năm khởi đầu của các dự án mang tính chiến lược để có thể thay đổi bộ mặt giao thông thành phố: "Năm 2021 cũng là năm khởi đầu của các dự án mang tính chiến lược, trình Hội đồng nhân dân thông qua, bao gồm hai đoạn khép kín Vành đai 2, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cầu đường Nguyễn Khóa, hai cây cầu trong Khu đô thị Thủ Thiêm, mở rộng các cửa ngõ thành phố gồm Quốc lộ 50, Quốc lộ 22… rồi dự án rất quan trọng như trục đường nối Trần Quốc Hoàn, đi vào nhà ga T3. Bên cạnh những dự án tập trung hoàn thành trong năm 2021, thì chúng ta cũng chuẩn bị các dự án mang tính chiến lược lâu dài trong 5 năm sắp tới. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của chỉ đạo của lãnh đạo hành phố, của Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan. Đặc biệt là sự đồng hành của các địa phương và người dân trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình".

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Giao thông vận tải vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, ngành giao thông đã phát triển mạnh mẽ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2020. Những đề án quan trọng liên quan đến phát triển hạ tầng, phát triển giao thông công cộng đã được hoàn thành. "Với vai trò như một ngành mở lối cho sự phát triển kinh tế, Sở Giao thông vận tải cần thể hiện tính tiên phong, quyết liệt trong việc thực hiện các chỉ đạo của thành phố, phát triển toàn diện ngành giao thông vận tải. Phải làm cho thành phố Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng có sự chuyển động mạnh mẽ về hạ tầng giao thông. Từ đó, để người dân nhận thấy cuộc sống của mình có chuyển biến tốt hơn", ông Phong đề nghị.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong quản lý khai thác, điều hành giao thông. Trước mắt là xác lập các mô hình dự báo giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa giao thông và khuyến nghị lưu thông phù hợp. Lãnh đạo ngành giao thông vận tải thành phố tiếp thu và khẳng định, năm 2021 và giai đoạn tới sẽ tập trung toàn lực để xây dựng và hoàn thành các Đề án chiến lược, quan trọng của ngành giao thông vận tải để nhanh chóng hoàn thiện bộ mặt hạ tầng, tạo điều kiện tốt hơn cho tăng trưởng của cả thành phố.