Lãnh đạo Thành ủy thăm gia đình chính sách nhân ngày Thương binh Liệt sĩ

(VOH) - Sáng 25/7, đoàn đại biểu TPHCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà gia đình người có công trên địa bàn TP nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh Liệt sĩ.

Tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách, ngụ tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Bí thư Thành ủy đã ân cần thăm hỏi sức khoẻ của Mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Cách sinh năm 1927, có 5 người con, trong đó 2 người là liệt sĩ, hiện Mẹ đang sống cùng con gái, thu nhập chủ yếu từ tiền trợ cấp người có công với cách mạng.

Thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lòng tri ân sự hy sinh của gia đình Mẹ Lê Thị Cách cho độc lập, tự do của đất nước, đồng thời mong gia đình tiếp tục nêu gương sáng tại địa phương, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tiếp đó, đoàn cũng đã đến thăm ông Đinh Công Bắc - ngụ tại phường Đakao, quận 1, thương binh 4/4, là con liệt sĩ, vợ và 4 người con bị tâm thần nhẹ do ảnh hưởng của chất độc hóa học; ông Trần Phú Cường - ngụ tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, là thương binh 3/4, thuộc diện hộ cận nghèo, có vợ và con đều mắc bệnh nan y. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã động viên các gia đình nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đồng thời dặn dò cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương quan tâm, chăm lo hơn nữa để phong trào đền ơn đáp nghĩa thực sự hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung thăm gia đình chính sách quận 5

Cũng sáng 25/7, bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đoàn cán bộ thành phố, đi thăm các gia đình chính sách tại quận 5.

Đoàn đến thăm ông Phạm Công Chung sinh năm 1951, thương binh 4/4, hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ cựu quân nhân và là thành viên Ban công tác Mặt trận phường 14 và ông Từ Hiển sinh năm 1934, thương binh 3/4, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, nguyên là hiệu trưởng trường Việt Tú (nay là trường Mạch Kiếm Hùng), hiện đang sống ở phường 8.

Lãnh đạo Thành ủy thăm gia đình chính sách nhân ngày Thương binh Liệt sĩ

Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung thăm hỏi gia đình thương binh Từ Hiển. Ảnh: Bá Nam

Thay mặt đoàn, bà Võ Thị Dung gửi lời thăm hỏi ân cần tình hình sức khỏe và cuộc sống hiện tại của các gia đình thương binh, đồng thời gửi lời biết ơn của mình đến các gia đình thương binh liệt sĩ.

Cùng ngày, đoàn cán bộ thành phố cũng đến thăm ông Dương Hữu Nam sinh năm 1936, người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học, trước khi về hưu ông là Phó Bí thư thường trực Đảng bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh; và thăm ông Trần Văn Minh sinh năm 1944, người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học, hiện đang là chi hội trưởng chi hội chất độc hóa học phường, trưởng ban thanh tra nhân dân phường 7.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thăm gia đình chính sách tại Quận 11

Sáng 25/7, Đoàn lãnh đạo Thành ủy do ông Phan Nguyễn Như Khuê, Thành ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy làm trưởng đoàn đi thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách trên địa bàn Quận 11, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019).

Đoàn đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đương, sinh năm 1935, ngụ tại Phường 14, Quận 11. Tại đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê ân cần thăm hỏi, động viên mẹ sống vui, sống khỏe và kêu gọi chính quyền, các đoàn thể Quận 11 phải thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và chia sẻ những khó khăn của mẹ Nguyễn Thị Đương nói riêng và các gia đình chính sách trên địa bàn nói chung.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thăm gia đình chính sách tại Quận 11

Đoàn lãnh đạo Thành ủy, Quận 11 thăm và tặng quà ông Trần Hữu Kham - thương binh, cán bộ tù đày, bị mù hai mắt tại Quận 11. Ảnh: Phước Tiến

Tiếp theo, cũng tại quận 11, đoàn đến thăm ông Nguyễn Văn Táo, sinh năm 1938, thương binh ¼, cán bộ tù đày, có hoàn cảnh gia đình khó khăn ngụ tại Phường 5 và thăm ông Trần Hữu Kham, sinh năm 1953, thương binh, cán bộ tù đày, bị mù hai mắt, ngụ tại Phường 15. Mặc dù đã cao tuổi nhưng cả 2 ông đều rất minh mẫn. Ông Trần Hữu Kham tuy bị mù cả 2 mắt nhưng vẫn biên dịch hơn 30 đầu sách từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Tại các nơi đến, ông Phan Nguyễn Như Khuê thay mặt đoàn ghi nhớ và cám ơn những công lao hy sinh to lớn của các bậc tiền bối đi trước. Ông nói: “Với vết thương chiến tranh, tù đày nó dai dẳng mãi thôi, nó âm ỉ trong lòng mình. Nhưng mà tổ chức, bà con, các đoàn thể quan tâm, cũng mong chú cũng dịu bớt cơn đau. Sự hy sinh và thương tật của chú làm cho đất nước phát triển, làm cho thành phố phát triển. Công lao đó không ai quên đâu chú ạ. Đến thăm như vậy, thấy chú vui, chú khỏe, điều đó làm chúng cháu rất mừng”.

Ông Nguyễn Văn Táo, thương binh ¼, cán bộ tù đày xúc động nói: “Tôi chân thành cám ơn đoàn hôm nay đã quan tâm, đã đến thăm gia đình tôi. Qua những lời động viên của đồng chí trưởng đoàn thì tôi thấy rất phấn khởi".