‘Nâng cao tỷ lệ thương mại hóa đối với các sản phẩm công nghệ’

(VOH) - Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong chuyến thăm các công ty nằm trong khu công nghệ cao TP vào sáng 6/3.

Tham quan nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế USM Healthcare, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định “không thua gì ở nước ngoài”. Ông Phong nhìn nhận, đây là doanh nghiệp thể hiện rất rõ việc ứng dụng công nghệ cao, làm chủ được công nghệ, sản xuất sản phẩm y tế kỹ thuật cao và đã thương mại hóa thành công sản phẩm.

Việt Nam có nhiều đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế nhưng số lượng doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghệ cao thì vẫn còn hạn chế. Việc sản xuất trang thiết bị y tế của Việt Nam chỉ chiếm được dưới 10% thị phần thị trường nội địa và chủ yếu là những mặt hàng đơn giản, không có nhiều giá trị gia tăng. Cùng với đó, thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam năm qua đạt gần 1,8 tỉ đô la Mỹ nhưng có hơn 90% tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ của thị trường này đều là nhập khẩu.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tham quan dây chuyền sản xuất trang thiết bị y tế. 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tham quan dây chuyền sản xuất trang thiết bị y tế. 

PGS.TS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Khoa học Công nghệ nhìn nhận: “Đây là dự án được Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Bộ Khoa học Công nghệ cũng rất kỳ vọng, rất lo bởi vì lần đầu tiên đầu tư trong lĩnh vực được đánh giá là rủi ro rất lớn. Thực sự đầu tư cho thiết bị y tế công nghệ cao đòi hỏi rất nhiều vốn, trong đó có vốn cho chuyển giao công nghệ. Ban đầu, Bộ định hỗ trợ 1 triệu đô la Mỹ cho phần tiếp nhận công nghệ, nhà máy là 1-2 triệu đô la Mỹ”

Hiện nhà máy USM Healthcare đang sản xuất sản phẩm Stent mạch vành phủ thuốc và kim luồn tĩnh mạch. Đối với sản phẩm Stent mạch vành phủ thuốc, trước đây bệnh nhân phải trả 38-45 triệu đồng/cái và phải nhập khẩu 100% với tổng chi phí khoảng 50 triệu đô la Mỹ thì nay, sản phẩm được nhà máy cung ứng ra thị trường với giá thành thấp hơn sản phẩm nhập ngoại từ 30-35%. Tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 30%; 70% xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Cùng với đó, sản phẩm kim luồn tĩnh mạch trước đây cũng đều nhập khẩu 100% được sử dụng ở 1.300 bệnh viện cả nước với số lượng hơn 50 triệu cây/năm. Doanh nghiệp này cũng tiên phong nghiên cứu sản xuất sản phẩm này, hiện đang sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện lớn với giá thành thấp hơn sản phẩm nhập ngoại cùng loại 30%.

Ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc nhà máy cũng kiến nghị một số khó khăn: “Chính sách thì có nhưng vận dụng vẫn còn khó do một số doanh nghiệp vẫn còn phân biệt hàng Việt Nam với hàng nước ngoài, vẫn còn tư tưởng sính ngoại. Công ty là một trong những đơn vị đi đầu do đó chúng tôi phải nỗ lực chứng minh bằng chất lượng sản phẩm. Một số bệnh viện tại TP vẫn khó tiếp cận hơn so với các bệnh viện tỉnh. Mặt khác, chúng tôi chưa có sự hỗ trợ của TP trong việc ký kết với các bệnh viện công lập ủng hộ sản phẩm, vật tư y tế trong nước, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn TP”

Với các kiến nghị này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ nghiên cứu lại những đề xuất của công ty. Ông cũng cho rằng, các điều kiện tiềm năng, đội ngũ của TP hoàn toàn có thể xây dựng TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực, trong đó có vấn đề điều trị, sản xuất vật tư, y tế, dược… Trong đó, lấy thị trường trong nước làm nền tảng bên cạnh hướng đến thị trường Đông Nam Á; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm chủ được các sản phẩm công nghệ:

 “Vấn đề đặt ra đối với công nghệ hiện nay chính là những sản phẩm công nghệ phải nâng cao tỷ lệ thương mại hóa như thế nào. Chứ nghiên cứu mà để trong ngăn kéo thì không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Đây là doanh nghiệp hoàn toàn không sử dụng vốn nước ngoài mà sử dụng vốn theo chương trình kích cầu của TP và hỗ trợ của Bộ Khoa học Công nghệ. Do đó, đây cũng là một doanh nghiệp khởi nghiệp bởi vì khởi nghiệp thành công xác suất rất thấp nhưng khi khẳng định được sự thành công rồi thì sẽ bắt đầu nổi tiếng”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trong chuyến thăm các công ty nằm trong khu công nghệ cao TPHCM 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trong chuyến thăm các công ty nằm trong khu công nghệ cao TPHCM 

Cũng trong sáng 6/3, đoàn đến tham quan dây chuyền sản xuất của công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật công nghệ Sài Gòn – một mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên sản xuất bo mạch, linh kiện và thiết bị điện tử công nghệ cao, cung cấp bo mạch cho các công ty viễn thông với số vốn đầu tư 36 tỷ đồng. Doanh thu thuần của công ty này đạt gần 12 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Đoàn cũng đến thăm công ty TNHH điện tử Sam Sung sản xuất các thiệt bị điện tử gia dụng bao gồm: ti vi, màn hình, máy in, thiết bị y tế, máy điều hòa,… Hiện doanh nghiệp đang nghiên cứu phát triển sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho các nhà máy điện tử của Sam Sung. Cũng là doanh nghiệp được tham gia vào chương trình kích cầu đầu tư của TP, Minh Nguyên là một trong số ít doanh nghiệp phụ trợ trong nước được Sam Sung chọn vào chuỗi cung ứng linh kiện cho dự án nhà máy Sam Sung Electronics và là nhà cung cấp số 1 với các sản phẩm cung ứng gồm: linh kiện nhựa, kim loại kỹ thuật cao, chế tạo khuôn mẫu ngành nhựa, dập kim loại, sản xuất công nghệ xi mạ chân không trên mọi chất liệu… Công ty kiến nghị TP hỗ trợ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên tại đây. Đến thăm nhà máy, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết nảy sinh nhiều ý tưởng mới, sẽ cụ thể hoá ý tưởng đó trong thời gian tới.

Chia sẻ chuyến đi công tác Nhật Bản, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng học tập rất nhiều về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo ông, công nghiệp chế tạo, chế biến là trọng tâm của TP góp phần tạo ra giá trị gia tăng lớn. Năm vừa qua, công nghiệp TP tăng 8,5%. Nếu TP tạo ra môi trường đầu tư thích hợp, có giải pháp thúc đẩy sẽ tạo cú hích cho công nghiệp hỗ trợ phát triển.

TPHCM đẩy mạnh Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch - UBND TP vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập ...
Căn hộ ở Sài Gòn cháy ngùn ngụt, cư dân chạy tán loạn - Lửa ngùn ngụt phát ra từ căn hộ ở tầng 3, lan lên hai căn phía trên khiến cả trăm người hoảng hốt chạy xuống dưới.