Ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông trên địa bàn thành phố

(VOH) - Cảnh quan đường phố TPHCM trở nên thoáng đãng do hệ thống dây điện nổi được thay thế dần bằng việc ngầm hóa.

Những ngày đầu năm mới 2021, nhiều con đường ở trung tâm TPHCM trở nên lung linh, rực rỡ hơn với những tiểu cảnh, đèn trang trí đón Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, cảnh quan đường phố đã trở nên rất thoáng đãng, tầm quan sát rộng hơn rất nhiều so với trước bởi không còn bị những "mạng nhện" dây điện lẫn cáp viễn thông giăng mắc trên không. Hệ thống dây điện nổi tại TPHCM được thay thế dần bằng việc ngầm hóa giúp cải thiện mỹ quan đô thị.

EVNHCMC, ngầm hóa lưới điện
EVNHCMC triển khai ngầm hóa lưới điện tại các tuyến phố.

Đây chính là thành quả nổi bật trong quá trình 10 năm triển khai công tác ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông trên địa bàn thành phố. Mục tiêu mà ngành điện thành phố đặt ra là ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin, góp phần nâng cao độ tin cậy lưới điện, năng lực truyền tải, tăng cường chất lượng dịch vụ cung ứng điện cho khách hàng.

Đồng thời giảm diện tích chiếm dụng đất của các công trình hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị thành phố, vừa nhằm mục tiêu tiến tới xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Phóng viên VOH phỏng vấn ông Bành Đức Hoài – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM về vấn đề này.

* VOH: Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) là đơn vị tiên phong trong việc ngầm hóa lưới điện, đảm bảo an toàn, tin cậy trong vận hành hệ thống điện, làm đẹp cảnh quan, tạo môi trường sống văn minh, hiện đại. Qua 10 năm triển khai thực hiện, công tác ngầm hóa lưới điện đã đạt được những thành quả nổi bật gì?

- Ông Bành Đức Hoài: Sau 10 năm, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và sự hỗ trợ từ các sở ban ngành địa phương, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã phối hợp với các nhà mạng viễn thông thực hiện hoàn thành TP đã hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường.

Trong đó, giai đoạn 2011-2015 hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế; giai đoạn 2016-2020 hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế.

Cụ thể, tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn TP tăng từ 25% trong năm 2011 lên 45% vào cuối năm 2020 (kế hoạch đề ra là 35%); cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm TP; khu vực nội thành các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đạt tỉ lệ 60%;

Hoàn tất cải tạo ngầm hóa lưới điện và dây thông tin tại những tuyến đường chính trong khu vực nội thành, tuyến đường liên quận và hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại tất cả tuyến đường có tên trong khu vực trung tâm TP thuộc quận 1 và quận 3.

* VOH: Trong quá trình triển khai thực hiện công tác ngầm hóa lưới điện đã có thuận lợi và khó khăn như thế nào?

- Ông Bành Đức Hoài: Mười năm qua, dù quá trình ngầm hóa đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng việc triển khai đã đối diện với không ít khó khăn.

Trong quá trình thực hiện luôn có những thuận lợi khó khăn nhất định, về thuận lợi đó thì được quan tâm chỉ đạo của thường trực UBND Thành phố và các sở ngành quận huyện và đặc biệt là sự đồng thuận của đa số người dân trong khu vực thực hiện ngầm hóa.

Vào tháng 6/2014, UBND Thành phố thành lập ban chỉ đạo nhằm ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn thành phố, các ban chỉ đạo này là do đồng chí Phó chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban chỉ đạo. Do TP có nhiều công trình ngầm như cấp thoát nước, viễn thông, điện lực… nên quá trình ngầm hóa gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận tuyến, liên tục phải xử lý xung đột dẫn đến sửa đổi, hiệu chỉnh thiết kế nhiều lần; nhiều dự án phải điều chỉnh tiến độ do các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng chậm.

Việc tái bố trí các tủ điện hạ thế sau khi ngầm hóa đường dây cũng gặp một số trở ngại. Sau khi thực hiện ngầm hóa, các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như máy biến thế, tủ đóng cắt (RMU) và tủ điện hạ thế phải bố trí lại trên vỉa hè.

Tuy nhiên, vỉa hè của một số tuyến đường khá chật hẹp; thậm chí không có vỉa hè hoặc đã bố trí nhiều hệ thống hạ tầng, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, bố trí vị trí lắp đặt thiết bị. Trong khi đó, tâm lý một số người dân không muốn lắp đặt trạm biến thế, thiết bị điện trước nhà nên dù đã thực hiện đầy đủ các bước thỏa thuận vẫn không thể triển khai, phải thỏa hiệp và sửa đổi thiết kế dẫn đến kéo dài thời gian thi công.

Đã có 187 dự án ngầm hóa với tổng mức đầu tư 8.072 tỉ đồng được đưa vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của TP, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 4.568 tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2016-2020, tổng số tiền lãi vay được hỗ trợ là 350 tỉ đồng.

* VOH: Đối với giai đoạn tiếp theo 2021-2025, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) sẽ xây dựng kế hoạch ngầm hóa lưới điện như thế nào?

- Ông Bành Đức Hoài: Giai đoạn 2021-2025, TP sẽ hoàn tất ngầm hóa 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế ở các tuyến đường liên quận, các tuyến thuộc khu vực trung tâm hành chính và những tuyến đường chính đã được quy hoạch ổn định của các quận, huyện.

Theo đó, đến năm 2025, tỉ lệ ngầm hóa ở TP sẽ đạt 50-60% lưới điện trung thế, trong đó các quận 1, 3, 5 đạt xấp xỉ 100%; những quận nội thành khác đạt 80-90% và các quận còn lại đạt 60-80%. Để triển khai tốt hơn nữa công tác ngầm hóa trong thời gian tới, sở đã kiến nghị TP xây dựng quy hoạch hạ tầng ngầm đô thị, làm cơ sở cho các đơn vị quản lý hạ tầng, trong đó có ngành điện, làm căn cứ thực hiện.

Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng công nghệ 3D GIS trong quản lý hạ tầng ngầm lưới điện, phục vụ dữ liệu không gian dùng chung của TP, tạo thuận lợi cho quá trình thiết kế, thỏa thuận tuyến đến giai đoạn thi công để hạn chế đầu tư chồng chéo, không đồng bộ. Cùng với đó là khẩn trương xây dựng được quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành TP và giữa các đơn vị quản lý hạ tầng, chủ đầu tư dự án giao thông trong triển khai các dự án ngầm hóa

* VOH: Chân thành cảm ơn ông.