Ngày Văn hóa Hòa bình Thành phố Hồ Chí Minh: “Vì một xã hội không bạo lực”

Sáng 13/10, Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM và Ủy ban Hòa bình Thành phố tổ chức khai mạc Ngày Văn hóa Hòa bình TPHCM với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực”.

Sự kiện nhằm hưởng ứng Chương trình hoạt động của UNESCO vì một Văn hóa Hòa bình và Phi bạo lực, Ngày Văn hóa Hòa bình TPHCM với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực” nằm trong Chương trình Giáo dục Văn hóa Hòa bình (PCEP) cho giai đoạn 2017 - 2020 do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM và Ủy ban Hòa bình TP.HCM chính thức khởi động vào tháng 11/2017.

Chương trình Giáo dục Văn hóa Hòa bình gồm các dạng hoạt động khác nhau để xây dựng nhận thức và cảm hứng về Văn hóa Hòa bình qua các buổi tọa đàm, các bài viết, các hình thức vă hóa nghệ thuật (âm nhạc, vẽ tranh, kịch ngắn,…) và xúc tiến những dự án liên kết với một số đối tác khác.

Đặc biệt, tại lễ khai mạc còn diễn ra nhiều hoạt động đa dạng với mong muốn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về sự cần thiết và ý nghĩa của việc xây dựng “Hòa bình trong thời bình”, “Hòa bình hằng ngày”, quảng bá những giá trị và định hướng cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Đề cao vai trò giáo dục và trách nhiệm của giáo dục gia đình và nhà trường và của truyền thông đối với “Văn hóa Hòa bình”.

Phát biểu khai mạc, Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM chia sẻ: Đối với Việt Nam, đất nước đã trải qua chiến tranh trong thời gian dài, hòa bình có ý nghĩa và giá trị đặc biệt sâu sắc...

Ngày nay, hòa bình không chỉ đòi hỏi độc lập quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc phòng mà còn bao hàm môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng và hòa thuận, lối sống nhân văn. Không có chiến tranh không có nghĩa là có hòa bình; giàu có lên không có nghĩa là hạnh phúc, văn minh hơn,… Mặc khác tác động hai mặt của phát triển kinh tế và sự giàu có vật chất, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trong một thế giới biến động không ngừng và bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra thách thức đối với thang giá trị sống và quan hệ con người, dẫn đến tình trạng bạo lực trong xã hội. Để hướng tới một xã hội văn minh nhân ái, không chỉ đẩy lùi bạo lực mà còn đặt ra yêu cầu về giáo dục làm người tử tế, công dân tốt, góp phần vì mọi người. 

Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng “hòa bình” không chỉ là không có chiến tranh mà còn là giải quyết xung đột theo hướng xây dựng và tôn trọng sự khác biệt về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ hay văn hóa,… “Văn hóa Hoà bình” bao gồm các giá trị thái độ và hành vi phản ánh, tạo tương tác xã hội và sự chia sẻ dựa trên nguyên tắc tự do và dân chủ, lòng khoan dung và sự đoàn kết. 

ngày văn hóa hòa bình TPHCM

Bà Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM phát biểu khai mạc

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động đa dạng, phong phú từ triển lãm như giới thiệu và cung cấp thông tin về những dự án gìn giữ, thúc đẩy mối quan hệ “hòa bình” giữa con người và môi trường sống, những tọa đàm, nói chuyện, trao đổi nhằm thảo luận về những hiện tượng bạo lực nổi cộm trong xa hội và tư vấn cách ứng xử phù hợp trong tình hướng bạo lực. Đặc biệt, còn có các hoạt động tại không gian mở với nhiều chủ đề khác nhau như “Chung sống hòa thuận”, “Nhà trường và Thanh thiếu niên”, “Truyền thông nói và viết với sự tôn trọng”,…đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

ngày văn hóa hòa bình TPHCM

Nhiều gian hàng cho khách tham quan

Đặc biệt, lễ trao giải Cuộc thi Sáng tác Bài hát biểu trưng và giới thiệu Đại sứ cho Chương trình Văn hoá Hoà bình cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ chương trình.

ngày văn hóa hòa bình TPHCM

Các bạn nhỏ tham gia các hoạt động cửa chương trình

Với mục đích định hướng đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM sẽ lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về “văn hóa” trong cộng đồng, góp phần tích cực để Thành phố Hồ Chí Minh cùng với cả nước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là mục tiêu thứ 16 “Hòa bình và Công lý”.

Sự kiện diễn ra tại Dinh Thống Nhất, vào cửa tự do.