Người giúp thiếu nữ Việt Nam thắng kiện chồng Trung Quốc

(VOH)- Gần 40 năm gắn bó với công tác từ thiện, vận động… chị Hà Phi Yến - Ủy viên MTTQ VN quận Tân Phú (TPHCM)- một phụ nữ dân tộc Hoa - đã giúp đỡ nhiều gia đình người Hoa và người Việt nghèo cách làm ăn để thoát nghèo, là chỗ dựa tinh thần cho những hộ khốn khó, đường cùng, bế tắc..

Chị Hà Phi Yến. (Ảnh: Lệ Loan)

Sang Trung Quốc hầu tòa giùm

Chị Yến không thể quên nhiệm vụ đặc biệt là sang tận Trung Quốc hầu tòa, giúp cho một cô gái Việt gốc Hoa lấy chồng Trung Quốc thắng vụ kiện về hôn nhân. 

Em San Phụng Linh sống tại TPHCM, lên mạng làm quen với một thanh niên người Trung quốc tên là Chu Đức Ba, một thời gian, người thanh niên này mua vé cho San Phụng Linh và San Phụng Nghi (chị gái Linh) qua Quảng Châu, Trung Quốc du lịch chơi 4 ngày, cũng là để gặp mặt. Linh và bạn trai mới quen tổ chức đám cưới liền sau đó.

Tuy nhiên khi đi đưa dâu, San Phụng Nghi mới biết, để đến được nhà trai, mọi người phải ngồi xe lửa 18 tiếng đồng hồ từ Quảng Châu tới Hồ Bắc, mất thêm 3 giờ di chuyển bằng các phương tiện khác và bò kéo. Tới nơi thì mới biết gia đình của thanh niên này sống tận trên núi, nhà cửa ọp ep, heo hút.

Trong tuần làm lễ cưới, cô dâu phải mất 3 giờ xuống chân núi để trang điểm. Hai vợ chồng trẻ này sống trên núi được một năm sau đó dắt nhau xuống Quảng Châu mướn nhà ở, làm thuê để sống. Linh nhớ nhà, lại "lạ nước lạ cái" nên hay bệnh, đòi về Việt Nam nhưng người chồng giữ hộ chiếu không cho về.

Xót em, San Phụng Nghi là học trò may đồ của chị Hà Phi Yến nên nhờ chị tìm cách đưa em gái mình về Việt Nam.

Nhân dịp về Trung Quốc để cúng tổ tiên, chị Yến mướn một chiếc xe tới tận công ty nội thất mà Linh và chồng đang làm việc và gọi Linh ra để bàn chuyện về nước. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại do chồng của Linh phát hiện. 

3 tháng sau, Linh bị bệnh nặng, người chồng Trung Quốc mua vé máy bay cho vợ về nước. Linh ở Việt Nam được 1 năm và không muốn quay lại Trung Quốc, Chu Đức Ba năn nỉ Linh quay lại không được thì làm đơn kiện ra tòa.

Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, thành phố đông dân nhất ở miền Trung - Trung Quốc. Những người có kết hôn với người nước ngoài phải đến đó đăng ký. Sau khi có đơn kiện vào tháng 5/2015, chị Yến được gia đình Linh ủy thác, đại diện nhà gái qua Trung Quốc hầu tòa.

Phía tòa án Trung Quốc nói rằng, cô gái không làm tròn bổn phận của người vợ, người dâu phải bị phạt tính theo thời gian cưới là 3 năm.

Trước tòa, chị Yến trình bày bằng tiếng Hoa lưu loát: “Chúng tôi là người Việt gốc Hoa, nhưng sinh sống ở Việt Nam, coi Việt Nam là máu thịt. Xin hỏi quý vị, hôn nhân phải dựa trên sự minh bạch, rõ ràng, thỏa thuận, hòa hợp, hai bên phải trung thực về hoàn cảnh, gia đình, tính cách, môi trường sống của nhau thì mới đi đến hôn nhân.

Nhưng cậu thanh niên này chỉ mua vé cho hai chị em San Phụng Linh qua đây chơi 4 ngày, không đưa họ về nhà để biết rõ hoàn cảnh. Đến khi đám cưới diễn ra thì mới biết gia đình này ở tận trên núi, cưới xong cuộc sống rày đây, mai đó cũng không ổn định. Do đó, chúng tôi coi đây là hôn nhân lường gạt”.

Sau khi có sự thừa nhận của người chồng Trung Quốc Chu Đức Ba, cô gái được tòa án Trung Quốc phán thắng kiện và cho phép đôi vợ chồng trẻ ly hôn. Chị Hà Phi Yến làm thủ tục, giấy tờ ly hôn cho Linh ngay sau đó. 

Tấm lòng vì người nghèo

Hai vợ chồng ông Lô Đắc Châu ở tổ 125, khu phố 7, phường 14, quận 5 không con cái, nhà cửa neo đơn, xuống cấp. Hiểu rõ hoàn cảnh của họ, chị Yến chủ động đề xuất phường hỗ trợ cho hộ ông Châu xây nhà tình thương.

Khó khăn ở chỗ, ông Châu cho rằng: “Xây nhà xong, người ta để cái bảng “nhà tình thương” là của Nhà nước, không phải của mình, đến lúc nào đó họ sẽ lấy lại nhà”.

Chị Yến tới nhà nói chuyện với ông Châu bằng tiếng Hoa: “Tôi đại diện cho Mặt trận và các đoàn thể xin khẳng định với ông, căn nhà xây xong vẫn là quyền sở hữu của gia đình ông, không phải của Nhà nước. Kinh phí xây nhà của Nhà nước và người dân đóng góp nhưng để cảm ơn những người đã hỗ trợ, chính quyền mới để bảng “nhà tình thương” tượng trưng, ông bà không cần phải lo”.

Ông Châu nghe vậy thì đồng ý liền. Biết ông Châu hàng ngày đạp xích lô ba cọc ba đồng cũng không đủ sống, chị Yến chỉ cho ông xây thêm 2 phòng cho thuê để có thêm thu nhập. Chị Yến xin bên xóa đói giảm nghèo cho gia đình ông vay thêm 30 triệu đồng để xây phòng. Nhờ vậy, hai vợ chồng già có thêm đồng ra, đồng vô.

Bà Lưu Lệ Trần xúc động nghẹn lời: “Tôi biết ơn cô Yến vô cùng, nhờ có cô mà gia đình tôi mới có nhà ở. Ở xóm ai khó khăn nhờ là cô Yến giúp liền. Từ hồi giờ chưa thấy ai tốt như cô Yến ”.

Chị Hà Phi Yến tặng gạo cho người nghèo tại khu phố. (Ảnh: Lệ Loan)

Một hộ nghèo được chị Yến thường xuyên giúp đỡ là gia đình anh Phạm Văn Tâm, chạy xe ôm ở phường Phú Trung, quận Tân Phú. Gia đình anh có 6, 7 anh chị em sống co cụm trong không gian bề ngang mỗi phòng chừng 2 mét.

Em gái anh Tâm là Tuyết bị hở van tim, mấy năm liền phải nhập viện và điều trị bằng tiền mà chị Yến vận động. Lúc mổ tim xong thì Tuyết mất trong bệnh viện. Để nhận xác người thân về cũng không có tiền đóng viện phí, nửa đêm nửa hôm, anh Tâm gọi điện cho chị Yến nhờ giúp.

Các con chị Yến góp được 3 triệu đồng cho anh Tâm đưa xác em gái về. Rồi mọi phát sinh từ tiền hòm, tđám ma, thiêu xác, gởi cốt ở chùa… bao nhiêu thứ chị Yến phải chạy vạy lo toan hết. Lo đám ma cho Tuyết xong không được bao lâu thì đến phiên anh Tâm phải nằm viện trị bệnh. Chị Yến lại một lần nữa giúp anh có tiền đóng viện phí.

Nghe chị kể những chuyện đã qua, nhẹ tênh như làn gió thoảng trong đời, nụ cười đôn hậu của chị làm ấm lòng người đối diện. Chị là một người cán bộ, hội tụ đủ những phẩm chất đáng quý của người Đảng viên gương mẫu, có tri thức, trí tuệ, nhiệt tình, tốt bụng, thương người, làm việc hiệu quả, giúp người bất chấp khó khăn…

Người viết vẫn mong chị được xướng tên ở một buổi lễ tổng kết nào đó về người tốt, việc tốt bởi những việc làm của chị rất đáng được trân trọng và tuyên dương.