Nhanh chóng xây dựng sản phẩm chủ lực của TPHCM

(VOH) - Tại cuộc họp về tình hình KT-VH-XH 6 tháng năm 2018 diễn ra sáng 3/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành báo cáo, đánh giá lại các lĩnh vực, ngành nghề.

Đồng thời, đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực nào chưa khai thác hiệu quả.

Gần 700 mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao

Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố cho biết, hơn 2 năm nay, TPHCM tổ chức cho bà con nông dân với gần 700 mô hình, trong đó, tập trung vào các mô hình có giá trị kinh tế cao, như trồng rau, hoa; nuôi trồng thủy sản với 245 mô hình chủ yếu là tôm, cá cảnh; chăn nuôi với 79 mô hình theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm giá thành, giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu đạt hơn 10 triệu đô la Mỹ, riêng cá sấu và sản phẩm cá sấu xuất khẩu tăng 140% so với cùng kỳ.

“Một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao có tốc độ tăng rất tốt, rau đạt 7.689 hecta, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Hoa kiểng tăng 6,2% so với cùng kỳ; nuôi trồng thủy sản tăng 6,7%; tổ yến tăng 22,9%; cá cảnh tăng 22,6% so với cùng kỳ. Rõ ràng con cá cảnh trong 3, 4 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng luôn luôn đạt trên 20% so với cùng kỳ” – ông Trung cho biết thêm.

Toàn cảnh hội nghị. 

Toàn cảnh hội nghị. 

Trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này, Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Toàn Thắng thông tin, Thành phố sẽ điều chỉnh số lượng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Trong phê duyệt nghị quyết 80 mới đây của Chính phủ, cho phép TPHCM điều chỉnh giảm hơn 30 ngàn hecta đất nông nghiệp phục vụ cho đất sản xuất phi nông nghiệp.

Về đất khu công nghiệp, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 4.400 hecta, trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Thành phố sẽ được sử dụng 5.914 hecta. Vừa rồi thành phố cũng trình đề nghị Chính phủ cho phát triển hai khu công nghiệp chủ yếu là đất ở tổng công ty, đất này do Nhà nước trực tiếp quản lý, phục vụ cho ngành công nghiệp của Thành phố, tạo ra giá trị cao được Chính phủ đồng tình ủng hộ.

“Trong quy hoạch sử dụng đất lần này, Thành phố phải chuyển tải toàn bộ các dự án mà TP.HCM dự kiến tổ chức thực hiện từ đây đến năm 2020 thì tổng số dự án, kể cả dự án lớn nhỏ, đầu tư, công tư kể cả các dự án xã hội hóa thì TP.HCM dự kiến là trên 5.000 dự án, kể cả lớn nhỏ.

Trong quy hoạch sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ duyệt đã có. Như vậy, riêng các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ cho các dự án nhà ở thương mại dịch vụ, thì hiện nay chúng ta có khoảng 1.400 dự án mà phải thực hiện từ đây đến năm 2020”- ông Thắng nói.

Năm 2019 áp dụng công nghệ điện rác có thể xử lý 6.500 tấn rác/ngày

Đối với vấn đề xử lý rác mà báo chí quan tâm phản ánh do mùa mưa mùi hôi từ các bãi rác phát sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, trong nhiều năm qua, Thành phố triển khai xử lý các bãi rác. Có nhiều nguyên nhân Thành phố chưa làm tốt được do hiện nay Thành phố phải xử lý khoảng 8.000 tấn rác mỗi ngày. Những năm trước đó, công nghệ xử lý rác cũng chưa đạt.

Hiện Thành phố đang triển khai 3 đề án xử lý rác của 3 đơn vị là công ty chất thải rắn Đa Phước, Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar. Triển khai mời gọi đầu tư thêm 2 dự án khác 7 hecta, xử lý khoảng 2.000 tấn rác hằng ngày.

“Đến năm 2019, nếu chúng ta kịp chuyển đổi từ những đơn vị xử lý rác hiện có và mời gọi đầu tư theo công nghệ điện rác, thì Thành phố có thể xử lý được khoảng 6.500 tấn rác/ngày theo chức năng mới.

Như vậy mới giải quyết được mùi hôi. Hiện nay việc chôn lấp khi mùa mưa thì không có giải pháp nào căn cơ có thể xử lý được toàn bộ mùi hôi ở đây, chỉ có thể chuyển từ hình thức chôn lấp sang xử lý bằng điện năng”- ông Tuyến khẳng định.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm phải gắn với thương hiệu

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm phải gắn với thương hiệu.

Đánh giá lại mức đóng góp của các ngành công nghiệp, theo Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp tăng 10% do năm 2017 ngành này có sự tăng trưởng rất cao, các sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) có sự bứt phá. Có 3 ngành giảm bao gồm: sản xuất kim loại, sản xuất xe giảm sâu, lắp đặt máy móc thiết bị cũng giảm…

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đặt ra yêu cầu: “Phải xây dựng cho được cơ cấu sản phẩm chủ lực của Thành phố dựa trên cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp của thành phố này, Thành phố mới tập trung giải pháp đầu tư sau.

Trong chính sách của thành phố phải tác động thế nào để hình thành những nhóm ngành sản phẩm chủ lực chủ yếu. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm phải gắn với thương hiệu”.