Nhiều câu hỏi "khó" về đào tạo nghề và giải quyết việc làm

(VOH) - Qua phiên giải trình, Hội đồng Nhân dân TP đề nghị tăng cường đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề hướng đến lao động chất lượng cao...

Sáng 24/8, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp – đào tạo nghề - giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, toàn thành phố có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng đào tào được nâng lên. Năm 2018, dự kiến tuyển sinh đào tạo là gần 463.000 học viên. Tính đến tháng 7 năm 2018 tuyển sinh được gần 247.000 học viên, đạt tỷ lệ 53%.

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại khó khăn như chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Không đào tạo theo nhu cầu của xã hội dẫn đến một lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm. Công tác quản lý các cơ sở dạy nghề còn bất cập về đầu mối quản lý, gây khó khăn khi lập quy hoạch quản lý.

Nhiều câu hỏi "khó" về đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP phát biểu tại buổi làm việc.

Liên quan đến vấn đề phân luồng tuyển sinh, đại biểu Trương Lâm Danh –  Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM nêu câu hỏi: "Theo đánh giá thì công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó nổi bật là việc phân luồng chưa hiệu quả, xã hội còn nặng bằng cấp. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng đào tạo chưa cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu. Giải pháp? Thứ nữa, thông tin của giáo dục nghề nghiệp đến với học sinh và xã hội rất hạn chế chưa có chính sách chung từ cơ quan quản lý. Như vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào?".

Đại biểu Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cùng đặt câu hỏi: "Thứ nhất là giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Xin hỏi đồng chí về công tác quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề của thành phố và việc triển khai thực hiện đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trung cấp và cao đẳng của thành phố được triển khai ra sao? Những thuận lợi và khó khăn đó có giải pháp gì để thực hiện tốt nhất? Thứ 2 là phát triển các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên quận, huyện để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố như thế nào?".

Nhiều câu hỏi "khó" về đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM khẳng định: "Phân luồng cho học sinh trung học cơ sở chúng ta làm chưa mạnh, gắn kết giữa phân luồng với định hướng giáo dục nghề nghiệp chưa đồng bộ. 30% vào trường nghề và 70% vào phổ thông. Cơ sở trang thiết bị các trường nghề chưa kịp đổi mới vẫn chưa tạo được sức hút cho học sinh tham gia học nghề. Rồi việc chuẩn hóa giáo viên và thông tin thị trường lao động và nhu cầu nhân lực chúng ta còn bất cập. Đã sáp nhập 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và trung tâm hướng nghiệp giáo dục kỹ thuật của quận huyện đã thực hiện được 18 quận huyện, còn lại 6 quận huyện chưa thực hiện".

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đặt câu hỏi: Tỷ lệ tuyển sinh của 4 ngành công nghiệp trọng yếu kết quả sau đào tạo ra chỉ còn 50% đảm bảo có việc làm, vậy làm sao để thu hút đối tượng tham gia học ngành này? Mô hình đào tạo kép, 30% lý thuyết, 70% thực hành nhưng vẫn còn 20% sau tốt nghiệp không có việc làm? Kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh là rào cản, vậy đã được chú trọng hay chưa?

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: "Nhìn chung, sinh viên khi ra trường đều có việc làm, trên 85%, còn lại mười mấy % là tiếp tục học thêm, học liên thông lên CĐ, ĐH. Tới đây, Sở sẽ cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này gắn chặt với các doanh nghiệp thành lập hội đồng trường. Có đại diện các chủ doanh nghiệp vào hội đồng trường để xác định mục tiêu, ngành nghề đào tạo và gắn với đào tạo kép. 30% học lý thuyết tại trường và 70% xuống doanh nghiệp để thực hành".

Tổng hợp những chất vấn và đánh giá về trách nhiệm giải trình của Sở Lao động Thương binh – Xã hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP đề nghị ngành tiếp tục nghiên cứu những kiến nghị chính đáng của cử tri và đại biểu để tiếp tục tham mưu cho UBND TP tiếp tục phát triển hệ thống thông tin việc làm, kết nối tốt hơn giữa đào tạo nghề - việc làm; sắp xếp lại cơ sở giáo dục công lập theo tinh thần hiện đại hóa; sớm hoàn thành sáp nhập Trung tâm dạy nghề với Trung tâm giáo dục thường xuyên.

"Phải căn cứ nhu cầu phát triển và kế hoạch của thành phố cũng như Nghị quyết của thành phố để chúng ta dự báo nguồn nhân lực mà thành phố cần để từ đó đánh giá lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố đáp ứng được yêu cầu chưa? Bao nhiêu % đáp ứng? Thứ 2 nữa là đội ngũ giảng viên và chương trình. Bây giờ chúng ta nói hội nhập, liên kết, hợp tác thì phải quan tâm đến chương trình đào tạo sao cho tiên tiến rồi quan tâm đặc biệt đến đội ngũ dạy nghề của các cơ sở giá dục nghề nghiệp", bà Quyết Tâm đề nghị.

Tại phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP đề xuất: "Về tăng cường đào tạo, đào tạo bổ sung rồi bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chương trình tiên tiến của các nước phát triển về giáo dục công nghiệp. Chuyển giao chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp các ngành nghề, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ, 8 nghề tự do dịch chuyển trong khối ASEAN từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín trên thế giới để hiệu chỉnh các chương trình đào tạo tại các cơ sỡ giáo dục nghề nghiệp của thành phố".

Qua phiên giải trình, Hội đồng Nhân dân TP đề nghị tăng cường đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề hướng đến lao động chất lượng cao; quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo sơ cấp để nâng cao năng suất, tăng thu nhập; thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, kịp thời xử lý những sai sót, phát hiện xử lý nghiêm những hành vi gian lận trong giáo dục.